Đến miền Tây
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh một số trung tâm đô thị, nước kênh cũng đã đổi màu do nước thải sinh hoạt, ô nhiễm công nghiệp đã bắt đầu lan rộng do sự phát triển mạnh các khu công nghiệp trong năm năm gần đây.
Trên sông Tiền, nơi có khu công nghiệp Mỹ Tho và cụm công nghiệp Trung An của tỉnh Tiền Giang, nước ở một số đoạn đã bị ô nhiễm vượt mức tiêu chuẩn quốc gia, do nước thải chưa xử lý được đổ trực tiếp ra sông. Hiện tỉnh Tiền Giang đang chuẩn bị xây dựng nhà máy xử lý nước thải công suất 3.500 mét khối/ gày, nhưng nhanh nhất thì cũng phải đến năm 2008 mới có thể đưa vào vận hành.
Sông Vàm Cỏ cũng đang bị đe dọa với các chất ô nhiễm hữu cơ vượt quá tiêu chuẩn, trong khi hàm lượng ôxy trong nước ở một số đoạn thấp hơn tiêu chuẩn quốc gia nhiều lần. Sắp tới, khi mật độ nhà máy trong các khu công nghiệp ở Tây Ninh, Long An dày lên, nguy cơ ô nhiễm sông Vàm Cỏ sẽ còn cao hơn.
Chế biến và nuôi trồng thủy sản là một trong những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước lớn nhất ở ĐBSCL, nhưng sắp tới sẽ có thêm nhiều nguồn gây ô nhiễm đáng ngại khác. Hiện nay, các tỉnh đang quy hoạch, xây dựng hàng chục khu công nghiệp, trong đó có những khu diện tích cả ngàn héc ta ở các tỉnh Hậu Giang, Cà Mau. Đáng ngại là các khu công nghiệp trong vùng đang thu hút cả những dự án thuộc ngành nhạy cảm với môi trường như sản xuất bột giấy, đóng và sửa chữa tàu biển, sản xuất phân bón và hóa chất.
Các nhà máy sửa chữa tàu biển, dự kiến được xây dựng tại các tỉnh Vĩnh Long, cần Thơ, Hậu Giang, Cà Mau... cũng là mối nguy lớn cho môi trường nước trong khu vực. Bài học từ nhà máy đóng tàu Hyundai-Vinashin ở Khánh Hòa là một ví dụ điển hình.
Để góp phần cứu vãn môi trường nước sông Thị Vải, Thủ tướng đã yêu cầu hạn chế cấp phép đầu tư vào lưu vực sông các dự án ngành chế biến thủy sản, sản xuất bột giấy, phân bón, sản xuất thuốc trừ sâu... Vì vậy, việc cho phát triển những ngành dễ gây ô nhiễm nguồn nước như trên ở ĐBSCL cần rất thận trọng.
ĐBSCL là vựa lúa lớn và là khu vực có nghề nuôi thủy sản phát triển mạnh nhất nước. Nếu sự phát triển công nghiệp cũng dẫn đến tàn phá môi trường nước như một số địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Một khi các kênh rạch ở khu vực này chuyển thành màu đen, bốc mùi như kênh Tân Hóa - Lò Gốm hay các kênh rạch ở tỉnh Bình Dương, thì thu nhập từ phát triển công nghiệp có lẽ không đủ bù đắp thiệt hại của ngành nông nghiệp, thủy sản và những mất mát về môi trường sống.
Tấn Đức - Theo Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: