Tiếp đoàn công tác của Thành uỷ TPHCM, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam khẳng định, Bình Dương sẵn sàng chia sẻ với TPHCM những kinh nghiệm về phát triển hệ thống nhà ở xã hội cho công nhân, thậm chí về cả những vấn đề chưa có trong các quy định cụ thể.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm chia sẻ, Bình Dương đã đón đầu trước khi có quy định, đã thành công với mô hình nhà ở cho công nhân sát các Khu công nghiệp (KCN). Đến nay, Bình Dương đã xây dựng được 300.000m2 nhà ở xã hội, với giá bình quân 4 triệu/m2.
Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng tham quan dự án nhà ở xã hội tại Bình Dương
|
“Chúng tôi đã từng kiến nghị với Bộ Xây dựng và Thủ tướng những điều rất thiết thực phục vụ cho sinh viên, công nhân như: cho vay ưu đãi, có biện pháp hỗ trợ cho người dân sửa lại nhà trọ đủ tiêu chuẩn cho công nhân ở.
Có một thực tế ở Bình Dương là nhu cầu mua nhà ở xã hội không cao, công nhân thích ở thuê hơn. Vì vậy, muốn doanh nghiệp quan tâm phát triển nhà ở xã hội thì phải có các quy định ưu đãi.
Cụ thể, bắt buộc các khu công nghiệp phải dành hạ tầng để xây nhà lưu trú, cho phép chuyển nhượng sau 5 năm thay vì 10 năm như quy định trước đây của Chính phủ với nhà ở xã hội”, ông Liêm đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng Công ty đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) chia sẻ, về quy định thời gian tồn tại của nhà ở xã hội có thể là 20 năm, hoặc ít nhất là cũng phải 15 năm, sau đó doanh nghiệp được đập đi xây lại nhà mới.
“Ví dụ Singapore cũng vậy, làm nhà ở xã hội vài chục năm, hết thời hạn được đập hết xây thương mại”, ông Hùng gợi ý.
Bí thư Đinh La Thăng đặt nhiều câu hỏi trực tiếp thẳng vào vấn đề: “Theo Bình Dương thì TPHCM nên phát triển nhà thương mại hay xã hội? Bình Dương có lời khuyên cho TP như thế nào?
Bên cạnh đó, nếu khó khăn với đơn giá 4 triệu/m2, tăng giá lên 200 triệu/căn, mỗi tháng công nhân trả 1 triệu có được không? Vị trí gần khu làm việc, mâu thuẫn với đất sạch, xa thì mâu thuẫn nhu cầu đi lại. Giải quyết thế nào?
Bình Dương cũng có quy định mấu chốt là mua nhà ở xã hội 5 năm mới được chuyển nhượng, trong khi chúng ta khuyến khích người lao động làm giàu lên, vậy có mâu thuẫn không? Theo tôi thì nên quy định khống chế chuyển nhượng trong 2 – 3 năm thôi”, Bí thư Thăng đặt vấn đề.
Người đứng đầu Thành uỷ TPHCM cũng gợi ý, thay vì quy định 5 năm, thì nên hình thành thị trường nhà ở xã hội với thủ tục cực kỳ đơn giản, dễ mua dễ bán.
Tổng giám đốc Becamex thừa nhận thực tế có những hộ 1 đến 2 năm là bán, cơ quan quản lý cũng giải quyết bất cập cho bán nhưng phải đúng đối tượng từ đầu, nếu bán cũng phải bán theo giá cũ.
“Thực tế là các quy định còn có nhiều bất cập, ví dụ như đơn giá 4 triệu/m2 thì chẳng có doanh nghiệp nào mặn mà. TPHCM khi nghiên cứu thì phải có những quy định thực tế và logic, nếu không các doanh nghiệp kinh doanh không có động lực”, ông Hùng chia sẻ.
PCT UBND TPHCM Lê Văn Khoa khẳng định, doanh nghiệp không mặn mà lắm vì lợi nhuận tối đa chỉ có 10%. Ông cũng đặt câu hỏi: “Mô hình thành công ở Bình Dương ngoài Becamex còn có doanh nghiệp tư nhân nào tham gia không? Tham gia là do nhiệm vụ chính trị hay có cơ chế gì khác nữa không?”
Ông Khoa cũng gợi mở với địa bàn giáp ranh, TP.HCM và Bình Dương liệu có thể kết hợp để những người ở TP.HCM gần Bình Dương có thể mua nhà ở xã hội tại Bình Dương.
Trả lời các câu hỏi này, ông Hùng nói phía Bình Dương sẵn sàng hợp tác với TP.HCM để xây dựng nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp.
DiaOcOnline.vn - Theo Vietnamnet
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: