Top

Nâng vốn chủ sở hữu nhà đầu tư cao tốc Bắc-Nam

Cập nhật 29/03/2018 09:58

Vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia Dự án tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi, hồ sơ mời thầu với tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Theo đó, nghị quyết quy định, vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia Dự án tính toán trong báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu với tỷ lệ 20% tổng vốn đầu tư.

Đây là mức cao hơn so với quy định tỷ lệ vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư không được thấp hơn 15% tổng mức đầu tư dự án BOT của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP hiện hành về đầu tư theo hình thức PPP.

Việc nâng vốn chủ sở hữu lên cao được lý giải nhằm đảm bảo dự án khả thi về vay vốn khi gần đây các ngân hàng có yêu cầu tỷ lệ vốn chủ sở hữu tối thiểu 20% tổng mức đầu tư dự án BOT.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông nằm trong danh mục các công trình, dự án trọng điểm ngành GTVT. Ảnh minh họa

Mức lợi nhuận trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khi tính toán phương án tài chính để phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi và hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư bằng mức lợi nhuận trung bình trên phần vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư ở các dự án BOT đường bộ đã triển khai trong thời gian vừa qua; mức lợi nhuận chính thức của nhà đầu tư được xác định thông qua đấu thầu cạnh tranh.

Nghị quyết nêu rõ, triển khai lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình làm cơ sở xác định tổng vốn đầu tư và phương án tài chính trong hồ sơ mời thầu đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí đầu tư.

Việc lựa chọn nhà đầu tư phải qua đấu thầu; trường hợp chỉ có 1 nhà đầu tư trúng sơ tuyển sẽ báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.

Chính phủ giao Bộ GTVT bổ sung vào dự thảo hợp đồng dự án trong hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư quy định “Nhà đầu tư vi phạm hợp đồng trong trường hợp sau 6 tháng không ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án; cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng và hợp đồng hết hiệu lực”.

Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất giải pháp xử lý.

Về nguyên tắc quản lý vốn đầu tư của Nhà nước tham gia dự án, Chính phủ yêu cầu vốn Nhà nước đầu tư cho dự án phải được quản lý chặt chẽ, chỉ được sử dụng để thực hiện cho các hạng mục công việc do cơ quan Nhà nước thực hiện.

Sử dụng giá trị vốn góp của Nhà nước thông qua đấu thầu là giá trị thanh toán cho nhà đầu tư. Trường hợp có điều chỉnh, bổ sung hạng mục do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định sẽ thanh toán theo quy định từ nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nằm trong chi phí dự phòng khối lượng của Dự án.

Việc thay đổi giải pháp kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ mới dẫn đến kinh phí tăng - giảm do nhà đầu tư tự chịu hoặc được hưởng; Bộ GTVT có trách nhiệm giám sát nội dung thay đổi giải pháp kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình.


DiaOcOnline.vn - Theo Đất việt