Các chuyên gia, lãnh đạo Cục Hàng không, các đại biểu đã góp ý sôi nổi tại hội thảo “Giải pháp đẩy nhanh xây dựng sân bay Long Thành” do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 28.3.
Máy bay chờ cất cánh - hạ cánh tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM. ẢNH: ĐỘC LẬP |
Sân bay là một trong những vũ khí quan trọng trong việc cạnh tranh quốc gia, thu hút các hãng hàng không, thu hút nhà đầu tư, thu hút du lịch…Hoàn thiện Long Thành vừa phục vụ cho nền kinh tế phía nam, vừa tạo cho TSN có thời gian bảo trì, nâng cấp Ông Nguyễn Hữu Cường, Cục phó Cục Hàng không VN |
Cục phó Cục Hàng không cũng thông tin thêm: Nga hiện đã từ bỏ kế hoạch tăng tần suất chuyến bay đến sân bay TSN vì khó có khả năng tăng thêm giờ cất, hạ cánh trong vòng 10 năm tới. Một hãng hàng không của Tiểu vương quốc Ả Rập Xê Út cũng vừa thông báo sẽ rút tần suất khai thác tại TSN từ 7 chuyến/tuần xuống còn 4 chuyến/tuần, cũng vì khó khăn về khai thác, khiến hành khách liên tục chậm, lỡ chuyến. Hiện tại các hoạt động bay đến sân bay này đang bị hạn chế, khiến các hãng hàng không trong nước cũng không có điều kiện được cấp phép, tước mất nhiều quyền lợi của người dân. Chưa kể hoạt động bay bị ùn tắc, hành khách không chỉ bị delay dưới đất mà còn “được miễn phí bay” vài chục phút đồng hồ trên bầu trời. “Sân bay là một trong những vũ khí quan trọng trong việc cạnh tranh quốc gia, thu hút các hãng hàng không, thu hút nhà đầu tư, thu hút du lịch…Hoàn thiện Long Thành vừa phục vụ cho nền kinh tế phía nam, vừa tạo cho TSN có thời gian bảo trì, nâng cấp”, ông Cường kết luận.
Ông Nguyễn Hoài Nam, nguyên Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, phân tích hiện nay sân bay TSN đang quá tải, tình trạng kẹt xe “cả trên trời lẫn dưới đất” đang diễn ra trầm trọng. Nguyên nhân do số lượng hành khách đã vượt quá so với công suất khai thác. Không những vậy, việc nhà ga nội địa điểm đón và điểm đi cùng ở trên một cốt đã tạo nên sự xung đột gây kẹt xe trong sân bay. Trước mắt để giảm quá tải, có thể nâng công suất được khi mở rộng thêm nhà ga, tận dụng các quỹ đất hiện có để xây dựng các dịch vụ đi kèm; sắp xếp lại một số thứ hợp lý hơn. Đầu tiên là sắp xếp lại đường đến và đi trong ga bằng cách tách biệt ra, không cùng một cốt nền để không tạo ra sự xung đột, phân luồng khu cầu vượt sẽ giảm kẹt. Còn mở rộng sân bay, làm thêm đường băng sẽ rất khó khăn, không khả thi. Trong sân bay máy bay có thể không kẹt nhưng ở ngoài đường thì ùn tắc không thể giải quyết.
"Thay vì dồn tiền làm sân bay TSN mà chưa chắc giải quyết được tình trạng quá tải sân bay vì lượng hành khách liên tục tăng mạnh thì nên tập trung nguồn lực làm sân bay Long Thành càng sớm càng tốt", ông Nam nói.
Biến đất đai thành nguồn vốn
Để có thể đẩy nhanh tiến độ của dự án sân bay Long Thành, 2 vấn đề quan trọng nhất cần giải quyết là nguồn vốn và tiến độ giải phóng mặt bằng.
Theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường: Về công tác giải phóng mặt bằng, tổng diện tích đất thu hồi khoảng 5.584 ha, trong đó chiếm tới 85% là đất nông nghiệp. Tổng mức đầu tư các khu tái định cư là hơn 5.571 tỉ đồng. Phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư hiện nay do UBND tỉnh Đồng Nai lập, đã trình Quốc hội thông qua dựa trên nguyên tắc chung trên thực tế là bồi thường, hỗ trợ bằng tiền và xây dựng khu tái định cư trước khi thực hiện. Ông Võ đánh giá, nếu thực hiện theo phương án này, chi phí rất lớn và phải chi tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi triển khai dự án.
Vì vậy, cần thay đổi tư duy thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Thay vì bằng tiền, hãy dùng đất, không nhất thiết là đất cùng loại, miễn là giá trị làm hài lòng người bị thu hồi đất. Đây gọi là cơ chế thoát đất, đã được Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng triệt để và rất thành công. Theo đó, mỗi người sử dụng đất đều phải góp đất theo một tỷ lệ nhất định. Toàn bộ đất nông nghiệp sau đó sẽ được chuyển đổi thành đất phi nông nghiệp, như vậy diện tích vẫn giữ nguyên nhưng giá trị đất tăng lên nhiều lần, gấp khoảng 10 lần. Người góp đất khi đó sẽ được nhận lại một phần đất mới đã chuyển đổi. Tỷ lệ diện tích đất góp và nhận xấp xỉ bằng tỷ giá đất tăng, có thể là 10% tùy chênh lệch giá giữa đất nông nghiệp và phi nông nghiệp. Như vậy chúng ta sẽ thừa một lượng đất mà trong thẩm quyền nhà nước quyết định chuyển đổi mục đích của đất, tức 90% phần đất còn lại sẽ được đấu giá và thu tiền. Tiền này sẽ trở thành vốn để xây dựng khu đô thị (bao gồm cả không gian tái định cư) và sân bay Long Thành. “Cơ chế thoát đất này cùng lúc giải quyết được 2 vấn đề lớn: đẩy nhanh giải phóng mặt bằng và đảm bảo nguồn vốn xây dựng sân bay”, ông Võ nói.
Tuy nhiên, luật Đất đai hiện nay chưa có quy định về cơ chế góp đất. Vì vậy, ông Võ đề xuất Quốc hội cần nghiên cứu để thông qua một nghị quyết về khung pháp lý cho việc giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành.
Thủ tướng quyết định phương án mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ hôm qua (28.3), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định phương án mở rộng sân bay TSN theo đề xuất của Công ty tư vấn ADPI của Pháp. Cụ thể, sẽ xây dựng thêm một nhà ga hành khách với diện tích sàn 200.000 m2 ở phía nam, tức nhà ga hiện hữu để có thể phục vụ 20 triệu hành khách mỗi năm. Tổng vốn khái toán khoảng 18.000 tỉ đồng. Phần diện tích đất phía bắc, trong đó có sân golf và 16 ha đất do Bộ Quốc phòng quản lý sẽ được sử dụng để xây dựng công trình phụ trợ, như nhà ga hàng hóa, sửa chữa máy bay, logistic và chế biến suất ăn từ năm 2025 trở đi. Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chỉ đạo Công ty tư vấn ADPI phối hợp với tư vấn trong nước để hoàn thiện phương án trên cơ sở đảm bảo sử dụng đất tốt nhất cả ở phía nam và phía bắc, đồng thời tìm nguồn vốn và hoàn thiện hồ sơ pháp lý để nhanh chóng, quyết liệt khởi công xây dựng nhà ga mới sớm nhất, nhằm giảm tải cho sân bay TSN hiện đã vượt 44% công suất quy hoạch đến năm 2020. Thủ tướng khẳng định sau khi mở rộng, sân bay TSN sẽ có khả năng phục vụ tối thiểu 50 triệu hành khách mỗi năm.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: