Top

Nan giải về quy hoạch đô thị

Cập nhật 06/11/2017 08:23

Là đô thị đông dân nhất cả nước, TP Hồ Chí Minh đang gặp nhiều vấn đề nan giải về quy hoạch và quản lý quy hoạch. Trước áp lực về nhà ở của người dân, nhiều vấn đề cấp thiết đang đặt ra...

TP Hồ Chí Minh đang quản lý chặt quy hoạch để giảm áp lực hạ tầng.

Sau nhiều năm xây dựng và phát triển đô thị, hiện hai bên bờ sông Sài Gòn có rất nhiều các dự án nhà ở cao tầng. Tại bờ hữu (thuộc khu trung tâm hiện hữu), chỉ tính từ đoạn Tân Cảng Sài Gòn đến Cảng Ba Son, hiện đã có hàng chục cao ốc mọc lên san sát. Nếu trước đây, người dân đi trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) đến Tôn Đức Thắng (quận 1) có thể dễ dàng nhìn thấy bán đảo Thủ Thiêm bên kia sông, thì nay hàng loạt tòa nhà đã che khuất tầm nhìn.

Tuy TP Hồ Chí Minh đã hiện đại hơn trước đây nhưng nhìn một cách tổng thể, giới chuyên môn đang lo ngại khả năng phá vỡ "di sản" hành lang ven sông Sài Gòn - yếu tố quan trọng làm nên diện mạo của một đô thị vùng sông nước. Ngoài ra, việc xây dựng quá nhiều nhà ở cao tầng còn gây nguy cơ về áp lực hạ tầng giao thông tại khu vực này.

Chưa hết, gần đây, nhiều doanh nghiệp bất động sản đua nhau xây dựng dự án tại cửa ngõ phía Đông nhằm đón đầu tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) khiến điểm "nóng" về giao thông này nay càng "nóng" hơn. Theo các chuyên gia, thực trạng phát triển đô thị hiện nay tại TP Hồ Chí Minh vẫn còn tự phát bởi cao ốc mọc lên tràn lan theo trục các đường: Mai Chí Thọ (quận 2), Nguyễn Hữu Thọ (quận 7), Phạm Văn Đồng (quận Thủ Đức)... Điều này khiến nhiều chuyên gia về quy hoạch đô thị phải "giật mình", còn người dân thì "chịu trận" vì kẹt xe.

Để góp phần giải tỏa áp lực hạ tầng đô thị, việc phát triển hạ tầng, đặc biệt là giao thông đang rất bức thiết tại TP Hồ Chí Minh, cần có một cuộc tổng rà soát về quy hoạch trên toàn địa bàn thành phố để có chiến lược sử dụng đất hợp lý.

Theo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, đơn vị này đã hoàn tất việc rà soát, đánh giá quá trình thực hiện của khoảng 600 đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 đã được phê duyệt. Qua rà soát, đánh giá, đã xác định nhiều khu vực quy hoạch còn bất cập. Cụ thể, trong số 600 đồ án nêu trên, có tới 451 đồ án thiếu tính khả thi được UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh. Thành phố đã phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch 1/2.000 đối với 39 khu vực và tuyến đường giao thông. Hiện 24 quận, huyện đang lập điều chỉnh cục bộ 399 đồ án quy hoạch để Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định trước khi trình thành phố phê duyệt.

Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, thành phố quản lý quy hoạch rất chặt, dứt khoát không "mềm lòng", hạn chế tối đa việc điều chỉnh các quy hoạch đã duyệt, không nén dân số vì hệ thống giao thông công cộng không đồng bộ sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề ùn tắc giao thông. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, các chỉ tiêu thành phố được phân bổ chỉ tính trên dân số 8,4 triệu người nhưng hiện thành phố đã lên tới 13 triệu người.

Nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển của một "siêu đô thị", Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu khi lập hay điều chỉnh quy hoạch phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề dân số, phải tính toán chặt chẽ việc phân bổ dân cư, đặc biệt vùng lõi trung tâm. Đối với các đồ án quy hoạch được duyệt, cố gắng giữ để không phát sinh tăng dân số.

DiaOcOnline.vn - Theo Hà Nội mới