Khoảng chục năm trở lại đây, hàng loạt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch khiến nội thành TP.Hà Nội như thỏi nam châm hút dân vào nội đô. Tắc đường, thiếu trường, thiếu không gian công cộng khiến cuộc sống ngột ngạt cũng từ đó mà ra.
Việc xây dựng các nhà cao tầng trong nội đô khiến các đoạn đường trong nội thành Hà Nội ngày càng ùn tắc. Trong ảnh là đường Lê Văn Lương tắc nghẽn giờ cao điểm. Ảnh: THÔNG CHÍ |
Tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên trên địa bàn Hà Nội. Ảnh: P.V |
PHÓ CHỦ NHIỆM UB PHÁP LUẬT QUỐC HỘI TRƯƠNG MINH HOÀNG: Không để lợi ích nhóm ảnh hưởng đến quy hoạch!
Vấn đề lập quy hoạch rồi điều chỉnh nhưng sự điều chỉnh này không đúng quy định, sai quy trình, gây ra những hệ luỵ về quy hoạch sau điều chỉnh như quá tải hạ tầng, tắc nghẽn giao thông, thiếu trường, bệnh viện… Trao đổi với PV Báo Lao Động xung quanh vấn đề này, ông Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Quốc hội - cho hay:
- Vào năm 2018, Uỷ ban Pháp luật Quốc hội sẽ thực hiện giám sát nội dung Luật Thủ đô, trong đó có vấn đề quy hoạch. Khi giám sát sẽ nghe báo cáo xem có sai sót đến đâu, trách nhiệm thuộc về ai thì đề nghị người đó phải có giải trình làm rõ trách nhiệm. Ví dụ, quy hoạch nhà thấp tầng lại xây thành cao tầng hơn phải làm rõ xem như thế nào. Nếu phá vỡ quy hoạch thế nào thì khi thẩm tra sẽ có kết luận, có kiến nghị đề xuất.
* Việc điều chỉnh quy hoạch gây quá tải hạ tầng dẫn tới hàng loạt hệ luỵ như tắc đường, thiếu trường, thiếu không gian công cộng. Tuy nhiên trách nhiệm của người phê duyệt điều chỉnh quy hoạch không được nhắc đến. Vậy, theo cá nhân ông, cần phải quy định rõ trách nhiệm của người đặt bút ký quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch?
- Trách nhiệm thuộc về ai thì phải chỉ cho rõ, tôi cũng rất mong phải làm rõ như vậy. Như trước đây đã có quy hoạch tổng thể rồi, nhưng giờ làm sai để phát sinh thì trách nhiệm người giám sát đến đâu? Có khi người đứng đầu họ ký với chừng mực cho phép, nhưng chủ đầu tư cố tình thực hiện sai, hoặc quá trình giám sát không chặt dẫn đến sai sót, bởi vậy có thể trách nhiệm có khi không hoàn toàn ở người ký. Vậy thì Uỷ ban Pháp luật Quốc hội sẽ giám sát chỉ ra sai ở chỗ nào. Đương nhiên, nếu cố tình ký sai quy hoạch thì sẽ phải chịu trách nhiệm.
* Gần đây dư luận đặt vấn đề có lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong quy hoạch. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
- Không loại trừ. Có thể có lợi ích cho một nhóm người nào đó hoặc theo cách tư duy nhiệm kỳ để mà ký. Bởi vậy khi giám sát phải chỉ ra, nếu phát hiện có lợi ích nhóm sẽ có cách xử lý trực tiếp đến con người cụ thể, nếu sai là tập thể thì cũng phải xử lý.
* Xin cảm ơn ông!
Có thể khởi kiện người ký quyết định điều chỉnh quy hoạch!
Rất nhiều điều chỉnh quy hoạch khi thực hiện gây ra hàng loạt hệ luỵ nhưng người dân hoàn toàn không được biết. Theo Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong trường hợp người dân phải chịu tác động tiêu cực do điều chỉnh quy hoạch gây ra thì hoàn toàn có thể khởi kiện chính bản thân người ký quyết định điều chỉnh quy hoạch.
* Vậy việc điều chỉnh có được phép? Nếu được phép sửa đổi quy hoạch thì phải tuân thủ những điều kiện nào?
- Phải hiểu, nhiều khi quy hoạch không đáp ứng được thực tiễn vì vậy phải điều chỉnh. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải tuân thủ nguyên tắc thông báo rộng rãi cho người dân khu vực có điều chỉnh quy hoạch được biết và phải lấy ý kiến người dân về sự điều chỉnh này. Mặt khác, khi điều chỉnh phải bảo đảm nguyên tắc không được làm tăng mật độ xây dựng so với quy hoạch đã được phê duyệt trước đó.
* Nếu việc điều chỉnh này gây ra những hệ luỵ ảnh hưởng tới cuộc sống người dân như lâu này dư luận nhắc đến như: Tắc đường, thiếu trường, không gian công cộng thì ai chịu trách nhiệm?
- Theo Luật Quy hoạch thì cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó phải có trách nhiệm giám sát quy hoạch và chịu trách nhiệm. Trong Luật không quy định rõ trách nhiệm cá nhân khi ký quyết định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch. Đây cũng là bất cập cần sửa đổi.
* Vậy trong trường hợp người dân trong vùng điều chỉnh quy hoạch khi phát hiện ra những điều chỉnh quy hoạch sai quy định phải làm thế nào?
- Theo tôi, người dân nên nêu ý kiến bị ảnh hưởng bởi điều chỉnh quy hoạch tới các cơ quan giám sát như Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh, Quốc hội. Trong trường hợp chứng minh được rõ ràng việc lập quy hoạch sai quy định gây tác động xấu tới đời sống sinh hoạt, người dân hoàn toàn có thể khởi kiện người ký quyết định quy hoạch ra Toà hành chính.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: