Top

Năm 2017, vốn ngoại vào bất động sản sẽ tăng mạnh

Cập nhật 17/03/2017 08:50

Thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp, biệt thự, liền kề… vẫn là “miếng bánh ngọt” đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông…

Chính sách mở rộng điều kiện sở hữu nhà ở cho người nước ngoài giúp gia tăng sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 2 tháng đầu năm 2017, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, bao gồm cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 3,4 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016. Riêng vốn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 345,5 triệu USD, chiếm 10,1% tổng nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay và tăng gấp gần 12 lần so cùng kỳ năm trước. Đây cũng là lĩnh vực tiếp tục đứng thứ hai trong thu hút vốn FDI tại Việt Nam.

"Nhà ở phân khúc cao cấp đầu tư tại Việt Nam đang được hưởng tỷ suất sinh lợi từ 7 - 8%, trong khi ở nước họ chỉ 1 - 2%. Đây là yếu tố thu hút nhà đầu tư ngoại"

- GS. Nguyễn Mại
 

Lũy kế đến tháng 2/2017, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đã thu hút được 52,4 tỷ USD (chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư FDI). Trong đó, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản chảy mạnh vào phân khúc cao cấp. Dẫn đầu là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), với các tập đoàn như Maeda, Mitsubishi, Creed Group (Nhật Bản), CapitaLand, Keppel Land, Mapletree (Singapore)…

Chẳng hạn, Meada hợp tác với Công ty xây dựng Thiên Đức phát triển dự án Wateria Suites, quận 2, TP.HCM với tổng vốn đầu tư 30 triệu USD, gồm 89 căn hộ có diện tích từ 150 - 200 m2/căn. Tập đoàn Mitsubishi hợp tác với Tập đoàn Bitexco thành lập liên doanh cùng phát triển Dự án The Manor Central Park, Hà Nội. Trong giai đoạn hợp tác đầu tiên, liên doanh này cùng phát triển 240 căn hộ thấp tầng và 2 tòa nhà cao tầng với 1.036 căn hộ. Ước tính tổng số tiền đầu tư đầu tiên là khoảng 290 triệu USD.

Tương tự, Capitaland với kinh nghiệm hàng chục năm trên thị trường bất động sản Việt Nam cũng vừa mua thêm một dự án có diện tích 0,5 ha tại quận 1, TP.HCM, trị giá là 51,9 triệu USD. Sau dự án này, CapitaLand sẽ thành lập thêm một quỹ thương mại mới để mua lại các dự án bất động sản tại Việt Nam. Theo kế hoạch, quỹ này sẽ được thành lập vào năm tới với vốn đầu tư 500 triệu USD, tập trung vào các dự án bất động sản thương mại tại TP.HCM và Hà Nội.

Theo đại diện Capitaland, Việt Nam là thị trường lớn thứ ba trong khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn, sau Singapore và Malaysia. Phát biểu trên tờ Straits Times (Singapore), ông Lim Ming Yan, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn CapitaLand chia sẻ: “Chúng tôi nhìn thấy nhiều cơ hội phát triển bất động sản tại Việt Nam. Vì thế, chúng tôi đang chuẩn bị để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường này. Tôi nghĩ, Việt Nam có tiềm năng lớn và xu hướng này sẽ tiếp diễn ít nhất 10 năm nữa”.

Chia sẻ với Báo Đầu tư Bất động sản, ông Akihiko Iwatani, Quản lý cao cấp kiêm Trưởng đại diện Văn phòng Tập đoàn Haseko Corporation (Nhật Bản) tại Hà Nội đánh giá: “Thị trường bất động sản Việt Nam còn nhiều tiềm năng, đặc biệt là phân khúc căn hộ cao cấp. Trước khi đặt chân vào Việt Nam, chúng tôi cũng đã nghiên cứu, khảo sát và tìm lỗi đi riêng cho mình”.

Theo GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, có hai lý do khiến thị trường bất động sản Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ nhất, dự báo tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng nhanh, từ 12 triệu vào năm 2012, lên đến 33 triệu người trong năm 2020. Thứ hai, hàng loạt chính sách liên quan như mở rộng điều kiện cho người nước ngoài sở hữu nhà đã tạo tâm lý tin tưởng cho nhà đầu tư.

“Nhà ở phân khúc cao cấp đầu tư tại Việt Nam đang được hưởng tỷ suất sinh lợi từ 7 - 8%, trong khi ở nước họ chỉ 1 - 2%. Đây là yếu tố thu hút nhà đầu tư ngoại”, GS Nguyễn Mại đánh giá.

Theo tìm hiêu của Báo Đầu tư Bất động sản, thị trường nhà ở tại Việt Nam với hơn 90 triệu dân vẫn là “miếng bánh hấp dẫn” với nhà đầu tư ngoại. Ngoài các vướng mắc đang dần được tháo gỡ, chính sách ngày một thông thoáng, thì quá trình đô thị hóa mạnh cũng là một yếu tố tạo nên sự hấp dẫn của nhà đầu tư ngoại với thị trường bất động sản Việt nam.

Năm 2016, FDI vào bất động sản có phần chững lại so với năm 2015, nhưng với những chuyển động trong 2 tháng đầu năm đã chứng tỏ sức hấp dẫn của thị trường bất động sản Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài đang ở mức cao. Nhiều chuyên gia dự đoán, vốn đầu tư FDI vào bất động sản trong năm nay sẽ tăng mạnh.
 

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản