Top

Dân thất vọng nhất với thủ tục cấp quyền sử dụng đất

Cập nhật 16/03/2017 14:01

Trong số các thủ tục được khảo sát, đánh giá, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có các chỉ số thấp nhất; thủ tục cấp giấy đăng ký kết hôn có các chỉ số đánh giá cao nhất.


Việc giải quyết thủ tục hành chính cấp xã được đánh giá tốt hơn cấp huyện. Ảnh: Tư liệu Tuổi trẻ

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị đánh giá việc đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân và tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) do Văn phòng Chính phủ tổ chức sáng 14-3.

Theo ông Lê Vĩnh Tân, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, các nhóm thủ tục được đánh giá đều có kết quả rất khác nhau.

Cụ thể, các thủ tục giải quyết ở cấp huyện (gồm chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở) có các chỉ số đánh giá thấp hơn nhóm thủ tục giải quyết ở cấp xã (gồm giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực).

Các chỉ số phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cũng thấp hơn so với các chỉ số phản ánh sự hài lòng.

Cụ thể, các chỉ số chất lượng của 6 thủ tục nằm trong khoảng 40-70%, trong khi các chỉ số hài lòng của 6 thủ tục nằm trong khoảng 70-90%.

Trong số các thủ tục được khảo sát, đánh giá, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có các chỉ số thấp nhất; thủ tục cấp giấy đăng ký kết hôn có các chỉ số đánh giá cao nhất.

Đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính ở cấp huyện, người dân mong đợi sẽ mở rộng hình thức thông tin, tiếp tục đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục.

Trong khi ở cấp xã, người dân lại mong muốn có thêm những cải thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ tốt hơn.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, chương trình cải cách hành chính tổng thể đất nước giai đoạn 2011-2020 đặt ra yêu cầu lớn. Đó là năm 2020 có 80% người dân hài lòng về sự phục vụ bộ máy chính quyền các cấp.

“Nếu chúng ta không triển khai từ bây giờ việc đo lường, đánh giá sự hài lòng của người dân thì đến năm 2020 không thể trả lời được bao nhiêu phần trăm người dân hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước”, ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Nội dung cải cách hành chính vừa qua đã triển khai đồng bộ trên 5 lĩnh vực: Cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, cải cách tài chính công, nâng cao hiện đại hóa nền hành chính công.

Trong đó giải pháp trọng tâm chính là nâng cao chất lượng dịch vụ hành chính và chất lượng dịch vụ công. 

Để đo lường sự hài lòng của người dân về chất lượng dịch vụ, từ năm 2015 Bộ Nội vụ được giao việc chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam triển khai đo lường

Kết quả này bước đầu sẽ phản ánh được thực trạng và chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính, mong đợi của người dân, tổ chức. Từ đó giúp các cơ quan hành chính Nhà nước xác định các giải pháp phù hợp, khách quan nhằm khắc phục yếu kém, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ người dân ngày càng tốt hơn.

Có 6 thủ tục hành chính được chọn để triển khai SIPAS 2015, gồm: Cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và chứng thực.

SIPAS 2015 đánh giá 4 yếu tố cơ bản của quá trình giải quyết công việc của từng thủ tục hành chính, gồm: Tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính, công chức phục vụ, kết quả giải quyết.

Thông tin phục vụ việc đánh giá của SIPAS 2015 được thu thập thông qua điều tra xã hội học theo hình thức phát phiếu khảo sát đến 15.120 người dân, tổ chức đã giải quyết thủ tục hành chính và nhận kết quả của 6 thủ tục trên tại 108 xã của 3 thành phố trực thuộc Trung ương và 7 tỉnh đại diện cho 7 vùng được chọn mẫu cho cả nước (Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Lai Châu, Hưng Yên, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tây Ninh và Cà Mau).

Tính đến tháng 12-2016, có 4 bộ và 32 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chủ động triển khai và công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức trong phạm vi ngành, địa phương. Cách thức, phương pháp triển khai của 4 bộ và 32 địa phương cũng rất đa dạng.

DiaOcOnline.vn - Theo Tuổi trẻ