Trước tình cảnh giao dịch bất động sản (BĐS) èo uột, dòng vốn bị siết, nền kinh tế chưa được cải thiện…, một số chuyên gia trong ngành nhận định thị trường từ nay đến cuối năm khó có thể lạc quan, thậm chí đến năm 2012 vẫn còn khó khăn.
Ảm đạm cục bộ
Sau đợt sôi động hồi đầu năm, thị trường địa ốc Hà Nội rơi vào cảnh trầm lắng, giao dịch chững lại ở hầu hết các phân khúc, hàng loạt dự án giảm giá, số lượng khách có nhu cầu mua vào giảm mạnh.
Giá đất dự án tại hầu hết các khu vực trên địa bàn Hà Nội hiện đang giảm mạnh, trong đó nhiều khu vực như Nam An Khánh, Vân Canh, Trung Văn... đều giảm từ 20 -25%. Thậm chí, nhiều sàn đã phải đóng cửa, hoặc có sàn còn hoạt động thì cho nhân viên nghỉ việc hàng loạt.
Không nằm ngoài vòng xoáy đó, BĐS tại một số địa phương ở khu vực phía Nam như Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ cũng không có nhiều đột biến, tính thanh khoản vẫn đạt thấp so với thời điểm cuối năm ngoái.
Theo khảo sát của Savills Việt Nam, đến thời điểm cuối tháng 8.2011, toàn thành phố Cần Thơ không có dự án mới tham gia thị trường. Hiện chỉ có 35 dự án trong cả thị trường sơ cấp và thứ cấp, cung cấp hơn 23.500 căn/nền bao gồm đất nền, biệt thự/nhà liền kề và căn hộ.
Giao dịch trên thị trường sơ cấp tại Cần Thơ diễn ra rất chậm. Tỉ lệ hấp thụ là 1%, giảm khoảng 6% so với quý 1. Giá trung bình của căn hộ là 565 USD/m2, của biệt thự/nhà liên kế là 600 USD/m2 và của căn hộ là 280 USD/m2. Giá trung bình của căn hộ tăng 13% so với quý 1/2011 trong khi, giá của biệt thự, nhà liên kế giảm -16% và đất nền giảm -5%.
Nếu tính trong ngắn hạn, chỉ có khoảng 6 dự án sẽ cung cấp khoảng 5.100 căn, nền sẽ tham gia thị trường nhà đất. Tuy nhiên, phần lớn các dự án tương lai vướng phải khó khăn về nguồn vốn hoặc đền bù giải tỏa. 47% số dự án tương lai vẫn đang lập kế hoạch.
Theo khảo sát, các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc thương lượng đền bù giải tỏa, nguyên nhân là do quy định về giá thị trường của đất đền bù không rõ ràng. Hơn nữa, tiến độ các dự án tương lai hiện rất chậm. Vì thế, Sở Xây dựng Cần Thơ đã thực hiện rà soát để thu hồi giấy phép của các dự án triển khai chậm và kém hiệu quả.
Khó khăn còn kéo dài
Nhận định về triển vọng thị trường BĐS từ nay đến cuối năm, ông Richard Leech - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, khó có thể lạc quan về thị trường này khi dòng vốn trên thị trường không được lưu thông và tình hình nền kinh tế chưa được cải thiện.
Tại diễn đàn Đầu tư Xây dựng và BĐS Việt Nam kinh tế và triển vọng diễn ra ngày 26/8 vừa qua, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Trong thời buổi khó khăn, lĩnh vực nào cũng cần đến vốn chứ không riêng BĐS. Vì nền kinh tế chung, các doanh nghiệp còn phải cắn răng chờ thời thì đến năm 2012, BĐS sẽ vẫn còn khó khăn.
Theo ông Thiên, khi Chính phủ đang đặt mục tiêu lớn nhất là chống lạm phát thì không nên nới lỏng tín dụng. Nới lỏng tức là phát ra một tín hiệu thay đổi mục tiêu, tức là mục tiêu chống lạm phát giảm đi. Nếu lạm phát đẩy lùi thì mới hạ lãi suất xuống
Với mức lạm phát đang ở 15,68%, ông Thiên cho rằng để giữ mức 20% đã là may mắn, kéo xuống 17% đúng như mục tiêu là sự nỗ lực cố gắng không ngừng của cả nền kinh tế. Đặc biệt, thị trường BĐS có yếu tố đầu cơ nặng nề và bị chi phối bởi nhiều nhóm lợi ích nên cần phải kiểm soát tín dụng và thận trọng với những nguồn vốn nóng.
Vì thế, theo ông Thiên, trước mắt cần đặt ra vấn đề tái cấu trúc nền kinh tế, xem xét dịch chuyển cung cầu để phân bổ nguồn vốn cho phù hợp, đây là điểm cần lưu ý để tìm đường cho BĐS phát triển.
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: