Trong thời gian gần đây, thông tin các văn phòng môi giới BĐS đang khá lạc quan khi rục rịch hoạt động trở lại và đà giảm giá, bán tháo BĐS trên thị trường đã được chặn đứng. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, thị trường vẫn chưa hết khó khăn.
Những động thái mới của NHNN về điều hành chính sách tiền tệ bắt đầu triển khai từ tháng 9/2011 nhen nhóm hy vọng cho chứng khoán, bất động sản
|
Tất cả… “im thin thít”
Theo khảo sát mới nhất của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp Online, giá đất tại hầu hết các khu vực trên địa bàn Hà Nội hiện đã giảm mạnh. Điển hình như khu vực đường Lê Văn Lương kéo dài, Lê Trọng Tấn, Nam An Khánh, Vân Canh… đều giảm từ 25 - 30%. Khu vực ngoại thành Hà Nội thì tình hình chẳng sáng sủa hơn, thậm chí nhiều nơi giá giảm đến 40%. Giá đất giảm nhưng giao dịch “đóng băng”.
Tại một số xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Đầu năm 2011, giá đất tại Thanh Xuân, Minh Trí, Minh Phú được bán với giá 8 – 10 triệu/m2, giờ giá giảm gần một nửa nhưng không có người mua.
Hay như một số khu vực tại huyện Đông Anh, mặc dù được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển nhưng cũng không tránh khỏi đà giảm giá. Tháng 1/2011, giá đất tại xã Đông Hội rơi vào khoảng 27 triệu đồng/m2, sau đó gần 1 tháng giá đất được đẩy lên khoảng 5-6 triệu đồng/m2. Có những nơi gần cầu Nhật Tân như xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc giá đất được thổi lên với giá 30 – 40 triệu đồng/m2, thậm chí những mảnh đất ở mặt đường lớn, nơi có cầu bắc qua được bán với giá 80 – 90 triệu đồng/m2. Giờ giá đất tại các khu vực trên đã về với giá trị thực. Giá đất tại Đông Hội dao động ở mức 15 – 17 triệu đồng/m2. Tại Hải Bối giá đất mặt đường khoảng 20 triệu đồng/m2 và trong ngõ sâu là 15 triệu đồng/m2. Tại Vĩnh Ngọc – nơi cầu Nhật Tân đi qua và nơi được đầu tư xây dựng nhiều nhất giá đang ở mức 30 – 35 triệu đồng/m2.
Anh Khang – Giám đốc Sàn giao dịch BĐS trên địa bàn Cầu Giấy cho biết, tình hình thị trường chưa có gì khá hơn. Nguồn thu từ phí môi giới cũng giảm rõ rệt nên chi phí trang trải cho hoạt động cả sàn cũng eo hẹp.
Trong tuần, phóng viên đã nhận được vài cuộc điện thoại than thở về tình hình thị trường BĐS. Anh Minh (Hai Bà Trưng – Hà Nội) than thở, anh có mua vài mảnh tại Đông Anh, giờ khan vốn quá nhưng không đẩy được mảnh nào, cộng với lãi suất ngân hàng đang tăng quá cao. Cứ đà này anh phải bán tống bán tháo mấy mảnh đất đi. Nhưng khổ nỗi, anh bán với giá rẻ mà vẫn chưa tìm được người mua. Tôi có hỏi sao anh không đợi một thời gian nữa rồi bán thì nhận được ngay câu trả lời: “Giờ lỗ anh cũng phải bán chứ biết xoay vốn ở đâu? Lãi suất ngân hàng cao quá anh trụ không nổi”.
Thị trường bất động sản vẫn trong tình trạng khó khăn
Hay như trường hợp của chị Lan (Cầu Giấy – Hà Nội) cũng là đại diện cho hàng bao nhiêu người lâm vào cảnh “đứng ngồi không yên”. Chẳng là vào đầu tháng 2/2011, khi địa ốc Hà Nội vẫn đang sốt, chị đã nhắm một mảnh đất ở khu vực Hoài Đức với giá trên một tỷ đồng. Dốc hết tiền tiết kiệm cộng thêm với khoản vay gần 10 lượng vàng, chị hồ hởi mua vài chục m2 đất thổ cư chờ ngày giá đất lập đỉnh. Nào ngờ đâu, địa ốc càng ngày càng giảm, còn vàng tăng giá chóng mặt khiến chị như ngồi trên đống lửa. Chị tâm sự: "Thời điểm tôi vay vàng, giá có 34 triệu đồng mỗi lượng, nay có lúc lên tới 49 triệu đồng. Nhìn vàng mà xót ruột quá!”.
Không chỉ có đất nền, thị trường chung cư cao cấp cũng rơi vào cảnh bất động khiến nhiều nhà đầu tư “khóc dở mếu dở” vì bị om vốn từ vài năm nay mà hiện giờ vẫn không thanh khoản được.
Trường hợp của anh Đức Chính là một điển hình. Do mối quan hệ với chủ đầu tư, anh đã mua được một căn hộ rộng 134 m2 tại chung cư trên phố Ngụy Như Kom Tun, Thanh Xuân, Hà Nội. Lúc đó giá gốc căn hộ anh mua là 27 triệu đồng/m2, theo như cam kết trong hợp đồng đến thời điểm này, anh Chính đã góp 40% tổng số tiền tương đương 1,5 tỷ đồng/căn hộ.
“Nếu đúng tiến độ thì đến tháng 9 này, tôi sẽ phải tiếp tục đóng thêm 20% giá trị căn hộ tức là khoảng 720 triệu đồng. Thế nhưng, do không đủ tiền nên tôi buộc phải bán. Nếu không kịp bán thì tôi cũng không biết xoay sở ra sao khi lãi suất ngân hàng đang cao ở mức kỷ lục như vậy” - anh Chính chia sẻ.
Có khởi sắc trở lại?
Vài tuần gần đây, trước những tín hiệu tốt liên quan đến chính sách vĩ mô về tài chính, đầu tư BĐS như: Tín dụng cho vay BĐS sắp tới được nới lỏng hơn, BĐS được nhấc ra khỏi nhóm cho vay phi sản xuất, từ tháng 9 lãi suất ngân hàng sẽ hạ…khiến nhiều người kỳ vọng thị trường BĐS sẽ khởi sắc trở lại. Tuy nhiên, trên thực tế điều này vẫn còn phải chờ xem.
Mặc dù quan chức của cơ quan quản lý đã “đánh tiếng” rằng các ngân hàng sẽ nới “van tín dụng” cho các doanh nghiệp BĐS, nhưng dường như chưa có ngân hàng nào có động thái “xé rào” vượt quy định của Ngân hàng Nhà nước để giải cứu thị trường BĐS.
Một chuyên gia BĐS cho biết, không ai có thể khẳng định là không có nguy cơ rủi ro của BĐS đối với hệ thống ngân hàng khi mà dư nợ BĐS của các tổ chức tín dụng tính đến tháng 6/2011 đã là 245.000 tỷ đồng, tức là khoảng 10% tổng dư nợ của cả nền kinh tế với những khoản nợ xấu chiếm khoảng 3% (theo Uỷ Ban Giám sát Tài chính Quốc gia). Trong khi ở các nước khác trong khu vực Đông Nam Á tỷ lệ dư nợ BĐS chỉ chiếm 6-7%.
Việc mở lại “van tín dụng” cũng đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ rủi ro cho hệ thống ngân hàng, đặc biệt là nhóm các ngân hàng nhỏ mà các cổ đông của các ngân hàng này lại chính là các đại gia BĐS và cũng đồng nghĩa với việc đi ngược lại với những biện pháp và nỗ lực kiềm chế lạm phát của chính phủ.
Ông Trần Đinh Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lo ngại, lĩnh vực BĐS sẽ còn khó khăn đến năm 2012. "Vì nền kinh tế chung, các doanh nghiệp phải “cắn răng” chờ thời. Trong thời buổi khó khăn, ai cũng cần vốn không riêng gì địa ốc" - Ông Thiên khẳng định.
Tuy nhiên, với những động thái mới nhất của NHNN về chính sách điều hành tiền tệ những tháng cuối năm 2011, bắt đầu ngay từ tháng 9 này đã nhen lên hy vọng cho thị trường bất động sản.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: