Top

Năm 2009: Trọng tâm cấp bách là giải ngân vốn FDI

Cập nhật 24/12/2008 11:09

Dường như nằm ngoài cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và suy giảm kinh tế trong nước, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cả năm đạt hơn 64 tỷ USD đã trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam năm nay. Ngày 23-12, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, ông Phan Hữu Thắng đã trả lời phóng viên An ninh Thủ đô xung quanh những khó khăn, thách thức cho kịch bản FDI năm 2009.

* Ông nghĩ sao khi năm qua, chúng ta có tới 5 dự án liên hợp thép của doanh nghiệp FDI xin vào Việt Nam, vừa dư thừa công suất, vừa dễ gây tác động xấu tới môi trường?

- Ông Phan Hữu Thắng: Môi trường là một trong các vấn đề nóng trong lĩnh vực thu hút FDI năm qua. Các dự án sản xuất thép thường là các dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trên thế giới cũng đang có xu hướng chuyển dịch nhà máy trong lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển.

Do đó, nếu chúng ta không tỉnh táo, sẽ dễ trở thành một nơi để các nước phát triển xả dự án, công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường. Khi đó, chi phí cho việc theo dõi, xử lý môi trường còn đắt hơn cả nguồn thu có được từ dự án đó. Các địa phương năm qua cũng đã kiên quyết từ chối dự án thép khi thấy không đảm bảo vấn đề môi trường như ở Đà Nẵng.

Ngoài ra, chúng ta đã có bài học điển hình khác tuy không phải trong ngành thép mà là vụ xả nước thải của Công ty Vedan. Tôi cho rằng, trong quản lý, chúng ta đã có những thiếu sót, còn lỏng lẻo và chắc chắn sẽ phải rút kinh nghiệm nghiêm khắc qua việc này. Còn về việc lo ngại dư thừa công suất... Bộ Công Thương nên có trả lời chính thức để dư luận yên tâm về việc này.

Năm 2008, Việt Nam đã thu hút thêm được 64,011 tỷ USD (tính đến ngày 19-12), tăng 199,9% so với năm 2007. Tổng số vốn giải ngân năm 2008 của các doanh nghiệp FDI là 11,5 tỷ USD, tăng 43,2% so với năm 2007. Tổng số các dự án được cấp mới vào Việt Nam cả năm là 1.171 dự án, đạt 60,217 tỷ USD, trong đó, phía liên doanh của Việt Nam chiếm khoảng 10%. Số dự án xin tăng vốn đầu tư là 311 dự án, tăng thêm 3,74 tỷ USD. Có 11/50 quốc gia và vùng lãnh thổ đã đăng ký đầu tư vốn trên 1 tỷ USD, Malaysia đứng đầu, kế đến là Đài Bắc - Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Brunei.

* Vừa qua, các dự án FDI lớn lại tập trung nhiều vào bất động sản khiến dư luận lo ngại về hiệu quả đóng góp lâu dài cho xã hội. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Thường thì, các dự án bất động sản ít đem lại nguồn thu ngoại tệ, lại phải nhập khẩu lớn. Kinh nghiệm cho thấy có nhiều dự án bất động sản đăng ký để “giữ chỗ”. Nhờ có địa điểm đẹp, lại không thực hiện giải ngân ngay, việc huy động vốn lại chủ yếu là từ nhà đầu tư trong nước chứ vốn nước ngoài không lớn. Trong khi đó, FDI xây dựng cơ sở hạ tầng không được các DN chú ý.

Tuy nhiên, cho đến nay, cơ cấu đầu tư FDI liên quan đến bất động sản vẫn phù hợp với định hướng thu hút FDI của chúng ta. Kể cả 18 dự án sân gofl hiện đang hoạt động, qua rà soát cho thấy chưa lấn chiếm vào đất lúa quá nhiều như dư luận lo ngại. Tuy vậy, năm tới, chúng tôi sẽ phải tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra năng lực của nhà đầu tư trước khi cấp phép nhằm đảm bảo chất lượng hiệu quả dự án.

* Ông dự báo thế nào về kịch bản thu hút FDI năm 2009?

Chắc chắn, chúng ta sẽ bị giảm sút số vốn FDI đăng ký trong năm tới do khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Có thể, chúng ta chỉ đạt 20 tỷ USD và đó cũng là một kết quả cao. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là cơ quan quản lý Nhà nước Việt Nam làm việc kém đi hay do môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta xấu đi.

Đến nay, tôi chưa nhận được tín hiệu nào từ nhà đầu tư FDI xin rút dự án do khủng hoảng. Tôi cho rằng, sẽ không có chuyện phải xin tạm dừng, xin hoãn các dự án như thời điểm khủng hoảng tài chính châu á năm 1997. Các nhà đầu tư sẽ có đánh giá khách quan, công bằng về vấn đề này.

Điều quan tâm hàng đầu nhất là giải ngân, phải làm sao đạt cao hơn năm nay, khoảng trên 12 tỷ USD. Tuy nhiên, chúng ta phải giải quyết được các yếu kém cơ bản như việc qui hoạch sử dụng đất và qui hoạch phát triển ngành ở các địa phương thường không ăn khớp với nhau, vấn đề ách tắc giải phóng mặt bằng thì mới mong giải ngân đạt bằng và khá hơn năm 2008.

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô