TP.HCM phát triển hơn 1.000 căn nhà ở xã hội. Các cơ quan, ban ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau thì hạ tầng TP mới phát triển đồng bộ.
Tính đến tháng 12-2009, toàn TP xây dựng được gần 6,5 triệu m2 sàn nhà ở. Diện tích nhà ở bình quân tại TP hiện nay là 13,53 m2/người. Riêng nhà ở xã hội, năm 2009 TP đã phát triển thêm hơn một ngàn căn. Các con số trên được Sở Xây dựng báo cáo trong buổi tổng kết kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2009 ngày 22-1.
Sở Xây dựng cho biết thêm, trong năm 2009 TP đã cấp gần 30.000 giấy phép xây dựng mới, tăng 9,5% so với năm 2008. Trong khi đó, số vụ vi phạm xây dựng không phép, sai phép lại giảm đến 25%.
Về mặt cải cách hành chính, trong năm 2009 Sở Xây dựng đã rút ngắn thời gian giải quyết nhiều thủ tục so với quy định. Chẳng hạn, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở là 15 ngày (quy định 30 ngày), thẩm định và phê duyệt dự án phát triển nhà còn 35 ngày (quy định 45 ngày)… Sở cũng đã hoàn thành giai đoạn 1đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ (Đề án 30) với 62 thủ tục được thống kê chi tiết và được TP công bố vào tháng 9-2009. Sở cho biết đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung 12 thủ tục, thay thế tám thủ tục thuộc thẩm quyền ban hành của TP; kiến nghị sửa đổi, bổ sung 22 thủ tục và bãi bỏ 12 thủ tục không thuộc thẩm quyền của TP.
Xây dựng nhà tái định cư ở quận 2, TP.HCM. Ảnh: HTD |
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân ghi nhận những kết quả đạt được của Sở Xây dựng TP nhưng ông đề nghị sở này cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các sở ngành, cơ quan liên quan. “Cấp phép thì Sở Xây dựng phụ trách nhưng quy hoạch lại do Sở Quy hoạch-Kiến trúc quản. Rồi phát triển nhà ở phải kèm theo vấn đề giao thông, cấp thoát nước… Các cơ quan, ban ngành phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhau thì hạ tầng TP mới đồng bộ, đô thị mới phát triển bền vững” - ông Quân phân tích.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài đánh giá ngành xây dựng góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế TP phát triển, kéo nhiều lĩnh vực khác chuyển động theo. Về công tác quản lý trật tự xây dựng, ông Tài lưu ý tình trạng nhà nhỏ vi phạm thì bị xử phạt nghiêm khắc, cưỡng chế tháo dỡ trong khi một số công trình lớn tại trung tâm khi vi phạm lại không xử lý được với lý do sợ ảnh hưởng đến cả kết cấu. “Giải quyết như vậy là không hợp lý” - ông Tài nhận xét.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: