Sự lơ là trong việc phát triển mảng xanh cho một đô thị lớn như TPHCM đã dẫn đến tình trạng diện tích mảng xanh trên đầu người ngày càng giảm
“Có người đang là giám đốc của một công viên thuộc loại lớn nhất, nhì TPHCM lại bảo rằng lâu nay không biết sở nào quản lý về lĩnh vực công viên cây xanh” - ông Nguyễn Khắc Dũng, Trưởng Phòng Quản lý cây xanh Sở GTVT, lo ngại. Điều này góp phần lý giải vì sao mảng xanh của TPHCM đang ngày càng teo tóp.
“Đói” kiến thức về mảng xanh
Hiện phần lớn diện tích công viên cây xanh trên địa bàn TP thuộc sự quản lý của Sở GTVT và các quận, huyện. Trong đó, quận, huyện quản lý hơn 219 ha trong gần 538 ha diện tích công viên cây xanh toàn TP. Tuy nhiên, nhiều cán bộ quận, huyện than về sự thiếu chuyên môn của mình.
Đại diện quận 3 cho biết hiện quận không có phòng chuyên môn về cây xanh, những người phụ trách mảng xanh của quận đều là “ngoại đạo”, thiếu kiến thức về mảng xanh trong khi việc trồng, duy tu phát triển mảng xanh đòi hỏi kỹ thuật chuyên ngành.
Quận Thủ Đức thì dẫn ra trường hợp khá nực cười: Quận cho phép chủ đầu tư trồng cây trong dự án, khi cây đã trồng thì TP bảo cây nằm trong danh mục hạn chế trồng nên phải chặt bỏ để trồng cây khác!
Lý giải tại sao các quận, huyện lại “đói” kiến thức về cây xanh, ông Dũng khẳng định là mọi hiểu biết cần thiết nhất về mảng này Sở GTVT đã phổ cập nhưng do các quận, huyện lơ là.
Dọc xa lộ Hà Nội thuộc địa bàn quận 9 và Thủ Đức, mảng xanh được chăm sóc tốt |
“Tại nhiều cuộc họp với quận, huyện, Sở GTVT đã đề cập rất nhiều lần các vấn đề xung quanh công tác quản lý mảng xanh, thậm chí cán bộ chuyên trách của sở thỉnh thoảng còn gọi điện thoại, gửi e-mail cập nhật các quy định mới nhưng không hiểu sao không được cải thiện”- ông Dũng nói.
Còn trường hợp của quận Thủ Đức, ông Dũng cho biết trước đây những hồ sơ xây dựng có mảng xanh thường không qua sở theo đúng trình tự nên không được sở góp ý, thẩm duyệt vì thế mới có chuyện chủ đầu tư trồng loại cây không được khuyến khích trồng.
Thiếu sự phối hợp
Sở Xây dựng là đơn vị phối hợp với các sở, ngành liên quan giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định về diện tích đất dành cho công viên cây xanh và quản lý chất lượng thi công xây dựng công trình có hạng mục cây xanh.
Tuy nhiên, đại diện của Sở Xây dựng cho biết rất khó “chung tay” quản lý vì chưa nắm được các tiêu chuẩn về kỹ thuật, như tiêu chí cây xanh trên đầu người, khoảng cách giữa các cây khi trồng, những loài cây được trồng, không được trồng...
Phòng Quản lý cây xanh của Sở GTVT cũng xác nhận lâu nay Sở Xây dựng chỉ tham gia công tác quản lý việc chủ đầu tư có tuân thủ việc dành đất cho mảng xanh hay không còn công tác quản lý chất lượng thi công mảng xanh thì gần như bỏ ngỏ.
Riêng Sở Quy hoạch-Kiến trúc (QH-KT), là đơn vị “vẽ” đất cho mảng xanh nhưng tại cuộc họp về công tác phát triển mảng xanh của TP tổ chức vào ngày 18-1, dù Sở GTVT đã phát thư mời nhưng Sở QH-KT vẫn vắng người tham dự.
Theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, trong năm 2009, Sở GTVT đã gửi văn bản đề nghị Sở QH-KT hướng dẫn thực hiện “dự án điều chỉnh quy hoạch ngành công viên cây xanh TPHCM đến năm 2010 và quy hoạch dài hạn đến năm 2025”, song đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Điều này khiến Sở GTVT và các quận, huyện “mù mờ” vì chẳng biết tiêu chí phấn đấu cụ thể về diện tích xanh trên đầu người những năm sắp tới là bao nhiêu.
Chính sự lơ là trong việc phát triển mảng xanh cho một đô thị lớn như TPHCM đã dẫn đến tình trạng diện tích xanh trên đầu người của TP trong 4 năm qua giảm hơn một nửa, từ 1,6 m²/người vào năm 2005 nay chỉ còn 0,75 m²/người.
Trong khi đó từ năm 2000, UBND TP đề ra kế hoạch đến năm 2010, TP phải đạt diện tích xanh 6-7 m²/người. Bà Nguyễn Thị Hiền Lương, Phó Giám đốc Sở GTVT, thừa nhận sở dĩ diện tích xanh của TP thấp quá xa so với nhu cầu là do công tác quản lý còn nhiều bất cập. Đất đã được phê duyệt dành phát triển mảng xanh lại đem sử dụng vào mục đích khác.
Sức khỏe người dân bị ảnh hưởng
Theo kết quả nghiên cứu của TS Trần Viết Mỹ, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TPHCM, giả sử năm 2010 các quận nội thành (cũ) của TPHCM có 3 triệu dân thì mỗi năm thải ra 1.051.200 tấn khí CO2 và hứng chịu 2.500 tấn bụi các loại, 160.424 tấn khí độc.
Để hấp thụ toàn bộ các loại khí trên, bình quân mỗi người dân sống ở khu vực này phải có 25 m² diện tích xanh, trong khi hiện tại mới chỉ đạt 0,75 m²/người. Vì vậy, nguy cơ người dân mắc bệnh do hít phải khói bụi, khí độc là điều không thể tránh khỏi.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: