Sau khi được chia tách thành hai quận (đầu 2014), khu vực Từ Liêm (cũ) đang là địa bàn ghi nhận tốc độ phát triển đô thị lẫn gia tăng số lượng dự án BĐS bậc nhất Hà Nội. Đến nay, khi những dự án ở Nam Từ Liêm dần bão hòa lực đầu tư, Bắc Từ Liêm dự báo sẽ hút rất nhiều nhà kinh doanh BĐS tìm tới.
Bên cạnh một số dự án nhà ở thương mại quy mô được tái khởi động gần đây (trước đó nằm thoi thóp vì nhiều lý do), giới đầu cơ đang rỉ tai nhau về cơ hội mới đến từ một quyết định của Thành ủy.
Lố nhố làng lên phố
Như KTs Đào Ngọc Nghiêm (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội) từng nhìn nhận về việc phát triển chênh lệch giữa hai khu vực Bắc – Nam Từ Liêm hậu chia tách, tốc độ đô thị hóa (bao gồm cả hạ tầng cơ bản, giao thông lẫn số lượng các dự án NƠTM) ở Bắc Từ Liêm đang "đuối" so với địa bàn Nam Từ Liêm.
Rõ nhất, gần hai năm trở lại đây, Nam Từ Liêm là nơi quy tụ hầu hết các dự án lớn, các tên tuổi DN mạnh trong ngành xây dựng – địa ốc. Ngược lại, vì chưa đáp ứng yêu cầu về cơ sở hạ tầng, đa phần người dân vẫn sống dựa vào nông nghiệp (làng nghề), khu vực Bắc Từ Liêm vẫn còn "sơ khai" với lác đác các dự án tìm tới.
Trong số này, chiếm tỷ trọng lớn là dự án được manh nha tái khởi động nhờ nguồn vốn mới: GoldMark City (tên gọi cũ Castle Plaza), chung cư An Bình Cổ Nhuế, Sun Square (tên gọi cũ Thăng Long Mansion với dự kiến ban đầu hoàn thành vào cuối năm 2013).
Theo ranh giới chia tách (QL32), Bắc Từ Liêm sở hữu phần diện tích đất ở các xã: Thượng Cát, Tây Tựu, Liên Mạc, Thụy Phương, Đông Ngạc, Xuân Đỉnh, Phú Diễn, Minh Khai, Cổ Nhuế và phần đất thị trấn Cầu Diễn phía Tây sông Nhuệ.
Bắc Từ Liêm dự báo sẽ hút rất nhiều nhà kinh doanh BĐS tìm tới
|
Trong số này, khu vực Liên Mạc (598,7 ha) hứa hẹn sẽ có nhiều dự án được thực hiện trong tương lai như Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, Công viên hoa Hà Nội, KĐT phía Tây Hà Nội.
Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Đăng Minh, một chuyên gia đầu tư vào các dự án tiềm năng ở vùng mới lên cấp đô thị, "đó chỉ là dự kiến chưa xác định cụ thể thời điểm hoàn thành. Phải đợi quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm bàn đạp thì mới mong thu hút, đẩy mạnh đầu tư vào các dự án còn chờ vốn nơi đây".
Tháng 9, thông tin Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết Khu chức năng đô thị Tây Tựu, tỷ lệ 1/500 tại các phường Tây Tựu, Liên Mạc (Bắc Từ Liêm) đã lập tức thu hút chú ý của giới săn lùng lợi nhuận từ đất cát.
Người dân mừng một, thì nhà đầu tư BĐS còn mừng gấp bội. Lý do, theo Quyết định của Thành phố, trong tổng diện tích đất lập điều chỉnh quy hoạch 865.667m2, có tới hơn 30.000 m2 đất ở mới (phục vụ nhu cầu đấu giá quyền sử dụng đất và các nhu cầu khác của địa phương); gần 150 nghìn m2 đất dịch vụ (xây dựng nhà ở kết hợp dịch vụ đền bù cho các hộ dân bị thu hồi đất nông nghiệp theo quy định của thành phố); đất ở chung cư (quỹ đất 25% dành để phát triển NƠXH của thành phố) 30.404 m2.
Đáng chú ý, hầu hết các chỉ tiêu đất dành cho hạ tầng công cộng, giao thông, khoảng xanh đều rất chi tiết. "Bản quy hoạch chi tiết 1/500 được phê duyệt, đồng nghĩa trong tương lai gần, cơ quan quản lý cấp sở tại lẫn đơn vị chức năng sẽ rốt ráo thực hiện, thu hút nguồn lực xã hội (vốn). Đây là cơ hội cho các DN BĐS mạnh về tài lực lẫn các nhà đầu tư nhỏ lẻ như chúng tôi" – bà Hồng, cán bộ ngành xây dựng nghỉ hưu sớm khẳng định.
Giá đất rục rịch tăng
Thông thường, nguồn tin về mức giá đất thổ cư giao dịch thực tế tại một địa bàn chủ yếu đến từ chính những người dân sở tại (đa số môi giới BĐS không mặn mà với sản phẩm thổ cư).
Trong vai khách hàng tìm mua đất thổ cư tại Tây Tựu để đáp ứng nhu cầu công việc, người viết được ông Tuân, chủ quán giải khát tại gần sát chợ Tây Tựu tư vấn rất nhiệt tình.
"Đất ở đây và Liên Mạc giờ lên cao lắm. Nếu anh mua hồi trước Tết 2015 thì chưa tới 13 triệu đồng/m2 cho mảnh đất mặt tiền rộng hơn 5m, ô tô bán tải đỗ cửa. Nhưng từ tháng 5 tới nay, nhất là khi có quyết định phê duyệt của Thành phố về KĐT chức năng mới đây, mặt bằng giá đất thổ cư đã lên ngưỡng 15-19 triệu đồng/m2. Thậm chí còn tiếp tục tăng trong nay mai" – ông Tuân chia sẻ.
Thông tin về giá đất Tây Tựu liên tục "phá trần" được Quang, một nhà đầu tư trẻ tuổi, thừa nhận. Với số vốn chủ động khoảng 700 triệu đồng, người này đang bị chủ nhà "từ chối khéo" vì trả giá quá thấp so với giá trị lợi nhuận tương lai của mảnh đất 120m2 hướng Đông Nam tại khu phố 1, phường Tây Tựu.
Đại để như sau, tháng 3, hai bên đã gặp nhau nhưng chưa thể thống nhất tổng giá trị giao dịch. "Khi đó, chủ nhà đòi 20 triệu đồng/m2 còn tôi chỉ đồng ý 18 triệu đồng/m2 và… bỏ đi. Ai ngờ, 5 tháng sau, miếng đất càng chắc giá hơn chỉ với lý do có dự án được phê duyệt chi tiết và chủ nhà cho biết chỉ bán với giá tối thiểu 22 triệu đồng/m2 " – Quang than thở.
Được biết, những mảnh đất vuông vức, hướng và mặt tiền đẹp ở Tây Tựu hầu hết đều lên giá so với quý I. "Người dân đều nghĩ đất lên giá vì dự án về. Nhưng họ chưa hiểu thực sự giá trị lợi nhuận tương lai… Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư lắm tiền, thừa lọc lõi trên thị trường đã mau mắn "thôn tính" các mảnh đẹp nhất bằng cách chấp nhận trả thêm vài giá so với giá ban đầu chủ nhà phát ra" – một PGĐ kinh doanh của công ty phát triển BĐS đặt tại Bắc Từ Liêm đánh giá.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh doanh
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: