Top

Hà Nội kiên quyết thu hồi quyền sử dụng đất nếu chủ đầu tư vi phạm

Cập nhật 15/09/2015 09:22

Từ đầu năm đến nay, công tác đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có những chuyển biến tiến bộ, tuy nhiên không đồng đều giữa các địa phương và vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

(Nguồn: TTXVN)

Hiện, thành phố đang yêu cầu các địa phương chỉ đạo tích cực, quyết liệt hơn với những biện pháp cụ thể, nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đấu giá đất, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Thành phố cũng yêu cầu các ngành chức năng kiểm tra, thanh tra đối với các tổ chức, cá nhân chậm triển khai dự án, để đất trống qua 12 tháng, nếu tiếp tục vi phạm sẽ thu hồi quyền sử dụng đất theo quy định.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, năm 2015, Hà Nội dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất tại 54 dự án, với tổng diện tích 56ha, ước thu về ngân sách khoảng 2600 tỷ đồng.

Đến hết tháng 8/2015, đã có 17 đơn vị tổ chức đấu giá với diện tích 13ha, số tiền trúng đấu giá trên 1.722 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch, trong đó, đấu giá quỹ đất do thành phố quản lý là 12 dự án, do cấp huyện quản lý là 12 dự án.

Riêng tiến độ tổ chức đấu giá diện tích đất công ích, đất bồi ven sông, đất chưa sử dụng vẫn còn chậm bởi phần diện tích này thường nằm rải rác, quy mô không lớn, căn cứ đấu giá thấp… nên nguồn thu không đủ chi phí thuê tổ chức đấu giá chuyên nghiệp.

Việc triển khai đấu giá quyền sử dụng đất gặp nhiều khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, đặc biệt là nguồn thu ngân sách. Cụ thể, theo Luật Đất đai năm 2013, các dự án đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội (vốn ngoài ngân sách) được thực hiện giao đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Song, hiện trên địa bàn thành phố có nhiều dự án đấu giá quyền sử dụng đất đang triển khai, một số dự án do khó khăn về nguồn vốn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo tiến độ được duyệt.

Mặt khác, theo Luật Đất đai mới, Hà Nội đã thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất Hà Nội (trực thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường) trên cơ sở hợp nhất các Trung tâm phát triển quỹ đất hiện có.

Tuy nhiên, trên thực tế, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã đề nghị được tiếp tục thực hiện tổ chức đấu giá các dự án trước đây đã được thành phố giao làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, nhiều dự án đấu giá quyền sử dụng đất để hộ gia đình, cá nhân xây dựng nhà ở, nhưng còn tình trạng trúng đấu giá vẫn để đất trống hoặc chưa xây dựng đồng bộ theo quy hoạch gây mất mỹ quan đô thị...

Để tháo gỡ những khó khăn cụ thể trong công tác này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh yêu cầu Sở Tài nguyên Môi trường phối hợp với Sở Tư pháp rà soát lại toàn bộ những đơn vị đấu giá chuyên nghiệp trên địa bàn, lựa chọn những đơn vị đã thực hiện thành công các dự án đấu giá để phối hợp, giao nhiệm vụ. Nếu những đơn vị nào chỉ thực hiện đấu giá những dự án có số thu lớn mà ngại thực hiện những dự án nhỏ thì thành phố sẽ xem xét trong vấn đề giao các dự án tiếp theo.

Thành phố tiếp tục để Ủy ban Nhân dân các quận, huyện làm chủ đầu tư các dự án trước thời điểm thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố.

Liên quan đến công tác xác định giá khởi điểm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính phối hợp đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện, đặc biệt cần phải lựa chọn những đơn vị tư vấn xác định giá có chất lượng, chuyên nghiệp để khi xây dựng giá khởi điểm phải đảm bảo tính khả thi và đấu giá thành công.

DiaOcOnline.vn - Theo Viet nam+