Top

Luật còn nhiều kẽ hở, nhà đầu tư nước ngoài tự do chuyển nhượng dự án

Cập nhật 27/07/2016 14:33

Nhà đầu tư nước ngoài lợi dụng kẽ hở về ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của các doanh nghiệp Việt Nam để cùng sở hữu đất tại Đà Nẵng.

Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ làm việc với UBND thành phố Đà Nẵng

Sáng 26/7, tại buổi làm việc với Đoàn công tác liên ngành của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu dẫn đầu, ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, một số điểm trong Luật đầu tư công, Luật đầu tư, Luật kinh doanh bất động sản và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ còn nhiều điểm bất hợp lý cần sớm điều chỉnh.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho rằng, Điều 46, Nghị định 118 của Chính phủ quy định, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Thực tế thời gian qua, nhà đầu tư nước ngoài đã vận dụng kẽ hở về ban hành quy chế góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các doanh nghiệp Việt Nam để cùng sở hữu đất tại Đà Nẵng.

Ngoài ra, việc quy định chuyển nhượng vốn dự án và chấm dứt hoạt động của công ty mẹ ở nước ngoài cũng thiếu chặt chẽ. Ông Trần Văn Sơn cho biết, thời gian qua, việc chuyển nhượng dự án vốn đầu tư nước ngoài diễn ra ồ ạt trên phạm vi cả nước, trong đó có thành phố Đà Nẵng.

Nhà đầu tư nước ngoài thành lập công ty mẹ ở nước ngoài, sau đó thành lập công ty con tại thành phố Đà Nẵng để thực hiện dự án, nhất là các dự án bất động sản, du lịch. Sau đó, chủ đầu tư chuyển nhượng dự án. Một số trường hợp, công ty mẹ ở nước ngoài chỉ có thời hạn hoạt động ngắn, thậm chí là 1 năm nhưng khi vào Việt Nam nhà đầu tư đề nghị và được cấp thời gian hoạt động của dự án lên đến 50 năm. Sau khi chuyển nhượng dự án, một số nhà đầu tư tự do đi lại hoạt động các lĩnh vực khác rất khó kiểm soát.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cho biết, nhiều nhà đầu tư vào Việt Nam chỉ thành lập một doanh nghiệp nhỏ, nhưng họ làm đến 50 năm được đi lại tự do, không thị thực, không thủ tục nhập cảnh theo giấy chưng nhận đầu tư. Vì vậy, ông Sơn kiến nghị Luật đầu tư cần có quy định thời gian tốt thiểu, tốt đa cụ thể, để các cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư có cơ sở để cấp.

Ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị định và các thể chế pháp luật liên quan đến các Luật đầu tư kinh doanh... Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. Hiện nay, Chính phủ có chủ trương báo cáo Quốc hội cho phép sửa đổi một số Luật, trong đó có Luật đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật doanh nghiệp...

Theo ông Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư, nhiệm vụ của Đoàn là nắm tình hình, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các địa phương, tập hợp báo cáo kiến nghị Chính phủ sửa đổi cho phù hợp với thực tế.

DiaOcOnline.vn - Theo VOV