Top

Hoang mang vì dự án bị cầm cố

Cập nhật 27/07/2016 10:06

 Việc Sở Tài Nguyên và Môi trường TP HCM công bố không đầy đủ chi tiết các dự án thế chấp ngân hàng không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà còn khiến người mua nhà lo lắng

Sáng 26-7, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) TP HCM công bố 77 dự án bất động sản đang thế chấp ngân hàng (NH), nhiều đơn vị có tên trong danh sách đã đến Sở TN-MT để khiếu nại vì cho rằng mình bị oan. Đa phần các công ty đều khẳng định việc cầm cố dự án là không sai luật, gần như 100% các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng đều cầm cố dự án nhưng chỉ số ít bị nêu tên, như vậy không công bằng.

Cư dân thấp thỏm, doanh nghiệp phản ứng

Về việc Công ty TNHH Xây dựng và Sản xuất Hưng Lộc Phát (gọi tắt Hưng Lộc Phát) được nêu có thế chấp 10 căn hộ và 6 sàn thương mại tầng 2, 3, 17 thuộc cao ốc Hưng Phát (huyện Nhà Bè) tại Ngân hàng TMCP Việt Á - Chi nhánh Sài Gòn, ông Nguyễn Dư Lực, Chủ tịch HĐQT công ty, cho rằng thông tin này gây nhầm lẫn và ảnh hưởng đến tâm lý, lòng tin của khách hàng đối với thương hiệu của Hưng Lộc Phát và các dự án công ty đang triển khai.

Một dự án tại quận 2, TP HCM có tên trong danh sách thế chấp ngân hàng của Sở Tài nguyên và Môi trường Ảnh: TẤN THẠNH

Theo ông Lực, tất cả 10 căn hộ của cao ốc Hưng Phát mà Sở TN-MT công bố đang thế chấp NH đều là những căn hộ được công ty giữ lại phục vụ cho mục đích khác chứ hoàn toàn chưa bán ra cho bất cứ khách hàng nào. Tương tự, 6 sàn thương mại thuộc tầng 2, 3, 17 của dự án cũng là phần diện tích thuộc sở hữu riêng của công ty. “Do vậy, chúng tôi hoàn toàn có thể thế chấp phần tài sản này cho NH mà không ảnh hưởng đến quyền lợi bất cứ khách hàng nào đã mua nhà thuộc cao ốc Hưng Phát” - ông Lực khẳng định.

Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công CP Quốc Cường Gia Lai (QCGL), tỏ ra bức xúc vì 2 dự án của công ty bà bị đưa vào danh sách đang thế chấp NH của Sở TN-MT. Bà Loan khẳng định thông tin mà Văn phòng Đăng ký thuộc Sở TN-MT công bố có nhiều điểm chưa rõ. Do đó, ngay trong ngày 26-7, bà Loan đã gửi đơn khiếu nại đến Sở TN-MT và một số cơ quan báo, đài. “Đến thời điểm này, QCGL hoàn toàn không thế chấp bất cứ dự án căn hộ nhà ở thương mại nào dù rất nhiều dự án đang xây dựng, đang mở bán và cả dự án sắp giao nhà... Ngay cả dự án rất dễ thế chấp nhất là dự án số 24 Lê Thánh Tôn, quận 1, chúng tôi vẫn không vay và đang giao nhà. Trên thực tế, QCGL chỉ vay duy nhất 1 dự án nhà ở xã hội 6B vì lãi suất ưu đãi 5% để cấu thành giá thành rẻ bán cho khách hàng thu nhập thấp. Tôi khẳng định các dự án căn hộ thương mại của QCGL tại TP HCM và các dự án đang bán tại Đà Nẵng đều không thế chấp. Chúng tôi có nhiều nguồn vốn và luôn liệu sức mình để triển khai” - bà Loan cam đoan.

Trong khi các doanh nghiệp bất động sản bức xúc vì bất ngờ bị “bêu tên” thì các cư dân đã mua căn hộ có tên trong danh sách của Sở TN-MT lại một lần nữa đứng ngồi không yên. Khi thông tin chung cư Minh Thành (phường Tân Quy, quận 7) là một trong những dự án đã bị thế chấp NH, nhiều cư dân ở đây mới biết lý do vì sao nhiều năm qua họ đã đóng đủ 100% tiền nhưng vẫn không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà. Ông Lê Thanh, một cư dân ở chung cư này, thở dài: “Lâu nay, chúng tôi cứ nghĩ đang bị vướng pháp lý gì đó nên chưa có giấy chứng nhận nhà, mọi người đều đổ lỗi cho Sở Xây dựng “chây ì”. Hơn 5 năm về đây sống mà không thể nhập hộ khẩu được. Nhà quận 7 nhưng cho con đi học “ké” ở nơi khác, sáng đưa đi, chiều bỏ việc đưa con về. Nghe chung cư đã bị thế chấp, chúng tôi bức xúc kinh khủng”.

Đại diện ban quản trị chung cư Minh Thành cho biết hiện số nợ của chủ đầu tư cho việc cầm cố NH lên đến 60 tỉ đồng. Nhiều lần ban quản trị cùng cư dân, lãnh đạo sở, ngành và chính quyền địa phương họp bàn nhưng chủ đầu tư hứa hẹn lần này đến lần khác.

Người nước ngoài cũng bị “bêu” tên

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cho rằng bảng công bố danh sách của Sở TN-MT có nhiều chỗ chưa rõ ràng, ví dụ như thửa đất là như thế nào, diện tích bao nhiêu hay là tình trạng thế chấp của dự án là để làm gì, vay tiền hay thế chấp để bảo lãnh tín dụng cho người mua nhà... Chưa kể, tên một số cá nhân người nước ngoài cũng bị nêu trong danh sách này. Trong khi thực tế, họ chỉ là những cá nhân, thế chấp dự án vay tiền mua chính dự án này hay vay tiền vào việc khác là điều hết sức bình thường, do đó việc công bố sẽ ảnh hưởng đến bí mật làm ăn của họ.

Ông Châu cho rằng việc công bố danh tính các doanh nghiệp có dự án thế chấp phải rõ ràng, cụ thể để tránh làm cho người mua nhà hiểu sai và hoang mang, ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.

Bà Nguyễn Thị Như Loan hoan nghênh việc Sở TN-MT thông tin các dự án đang bán và đang thế chấp được đăng tải lên các phương tiện thông tin đại chúng và nhất là trang web của Sở TN-MT, đã giúp ích rất nhiều cho người mua nhà, để họ kiểm tra và yên tâm khi mua sản phẩm. Tuy nhiên, thông tin cần phải rõ ràng, cụ thể, không phải dự án nào thế chấp là không được bán và sẽ bị NH siết nợ. “Tôi được biết có rất nhiều dự án đang thế chấp vẫn bán và vẫn giao nhà cho khách hàng không hề có rủi ro, ngoại trừ một phần nhỏ các NH khi xét duyệt cho chủ đầu tư vay đã không cẩn thận trong quá trình thẩm định giá trị tài sản dự án và không bám sát để giải ngân theo tiến độ thi công và cũng như không đăng ký giao dich bảo đảm hồ sơ pháp lý chặt chẽ mới dẫn đến tình trạng rủi ro cho khách hàng” - bà Loan nói.

Sẽ công bố tiếp đợt 2

Đại diện Sở TN-MT cho rằng từ sau vụ lùm xùm chung cư Harmona (quận Tân Bình), rất nhiều cư dân ở TP âu lo số phận căn hộ mình sắp mua sẽ ra sao. Việc công khai các dự án để người dân nắm rõ, không bị lừa và minh bạch thông tin. Sắp tới, sở sẽ tiếp tục công bố đợt 2 sau khi rà soát các dự án mới. Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng việc mua những căn hộ bị thế chấp khiến cho các cư dân không có giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà để làm thủ tục nhập khẩu, phần lỗi chính là do người mua không kiểm tra, tìm hiểu kỹ thông tin, tính pháp lý mà chỉ quan tâm giá cả, vị trí đẹp. Một phần lỗi nữa là do các chủ đầu tư ém nhẹm thông tin về tiến độ và giấy tờ liên quan đến dự án.

Khi phóng viên đặt câu hỏi vì sao trong 77 dự án căn hộ không nêu rõ đâu là dự án thế chấp để bảo lãnh tín dụng cho cư dân, đâu là dự án chủ đầu tư cầm cố để vay vốn, vị đại diện Sở TN-MT cho biết thông tin này phải liên hệ ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc sở, để tìm hiểu. Tuy nhiên, sau đó ông Nguyễn Toàn Thắng lại từ chối trả lời mà yêu cầu phóng viên gặp ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP, để cung cấp thông tin và trả lời cụ thể. Phóng viên nhiều lần gọi điện thoại, nhắn tin đặt lịch làm việc nhưng vẫn không thấy phản hồi từ ông Liên.

Trong khi đó, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP, cho biết Sở Xây dựng chỉ có nhiệm vụ thanh tra việc thiết kế xây dựng có bảo đảm đúng kỹ thuật, giống thiết kế bản vẽ hay không. Nếu đạt sẽ cho phép được bán và cho cư dân vào sinh sống.

Phải giải chấp mới được bán cho khách hàng

Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng Giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thương tín (VietBank), cho biết để đầu tư xây dựng một chung cư, thông thường chủ đầu tư phải huy động 80% vốn từ NH, người mua căn hộ và người góp vốn làm ăn. Tuy nhiên, pháp luật chỉ cho phép chủ đầu tư huy động vốn từ người mua căn hộ và người góp vốn sau khi hoàn thành phần móng dự án.

Do đó, chủ đầu tư thường vay NH ít nhất 50% giá trị dự án để mua đất, xây móng dự án. NH chấp nhận cho vay với điều kiện chủ đầu tư có sẵn 20% vốn, tài sản thế chấp gồm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và dự án hình thành trong tương lai; đồng thời NH bảo lãnh cho chủ đầu tư trách nhiệm hoàn trả lại tiền cho người mua căn hộ nếu dự án không hoàn thành.

Ví dụ, chủ đầu tư vay vốn và đã được NH bảo lãnh dự án. Khi có người mua một căn hộ, NH sẽ giải chấp căn hộ đó để chủ đầu tư bán. Mặt khác, NH cũng phát hành chứng thư bảo lãnh theo đúng giá trị căn hộ kèm theo nghĩa vụ hoàn trả cho người mua số tiền đã thanh toán cho chủ đầu tư. Sau đó, người mua căn hộ có thể thế chấp căn hộ cho NH để vay tiền thanh toán cho chủ đầu tư theo tiến độ thi công.

Ngoài ra, một số chủ đầu tư không vay vốn NH nhưng để được NH bảo lãnh dự án, chủ đầu tư cũng phải thế chấp dự án đó cho NH. Khi có người mua căn hộ, NH cũng tiến hành giải chấp, phát hành chứng thư bảo lãnh giống như người mua nhà của chủ đầu tư vừa vay vốn vừa được NH bảo lãnh dự án. Nếu cần tiền thanh toán cho chủ đầu tư thì người mua thế chấp căn hộ cho NH để vay vốn. T.Thơ.



DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ