Top

Lộn xộn như… nhà cao tầng ở Hà Nội

Cập nhật 12/05/2018 09:02

Thời gian gần đây, tình trạng nhà cao tầng mọc lên vô tội vạ trong khu vực nội đô đã khiến hạ tầng Thủ đô ngày càng bí bách, ngột ngạt. Hệ lụy nhãn tiền là tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trở nên nghiêm trọng. Thực tế này cho thấy đã đến lúc vấn đề quy hoạch nhà cao tầng trong vùng lõi đô thị phải được xem xét lại.

Nhà cao tầng gây ùn tắc trên phố Lê Văn Lương

“Bức tử” giao thông

Tại Hà Nội, không chỉ đường nhỏ, phố nhỏ mới tắc, mà ngay cả đường rộng vài chục mét, đường đôi cũng vẫn phải “oằn mình” mỗi ngày vì áp lực giao thông. Một trong những nguyên nhân khiến tắc đường ngày càng nghiêm trọng là việc ồ ạt xây dựng chung cư cao tầng. Chẳng hạn, chỉ vỏn vẹn khoảng 6km tính từ đầu đường Tố Hữu nối đường Lê Văn Lương ra Khuất Duy Tiến đã có khoảng 30 tòa nhà cao tầng án ngữ.

Hay như, trên trục đường Trần Phú (Hà Đông), chỉ trong khoảng hơn 2 năm gần đây, có hàng chục khu nhà từ 17 đến 30 tầng mọc lên như: tòa nhà Fodacon, Sông Đà, Hồ Gươm Plaza... Đáng nói, các tòa nhà này nằm san sát nhau hoặc chỉ cách nhau vài trăm mét. Hệ lụy là ngày nào cũng có thể chứng kiến cảnh đường ùn ứ thành hàng dài vào giờ cao điểm.

Chung tình cảnh trên, nằm cuối tuyến phố Vũ Trọng Phụng là tổ hợp chung cư cao cấp Hapulico Complex được xây dựng, bao gồm khu nhà biệt thự, nhà vườn và bảy tòa tháp căn hộ cao từ 17 - 24 tầng (khoảng hơn 800 căn hộ) và một tòa tháp văn phòng 24 tầng... Với mật độ căn hộ dày đặc như vậy, cư dân ở đây đang phải sống chung với tình trạng tắc nghẽn giao thông và sự bất cập về hạ tầng, môi trường sống nghiêm trọng.

Đáng nói, ngoài việc gây quá tải hạ tầng, không ít trường hợp chỉ vì tranh chấp hạ tầng giao thông giữa các khu nhà đã khiến tình hình an ninh trật tự trở nên bất ổn. Vụ việc tranh chấp tại trục đường nối thông ra Hồ Tùng Mậu nằm giữa dự án Goldmark City và Vinaconex 7 là ví dụ. Theo ông Lê Đức Thụ, đại diện cư dân tòa nhà R4, Goldmark City cho biết: Tại Quyết định số 2106/QĐ-UBND ngày 11/5/2016 của UBND TP Hà Nội phê duyệt chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 thì đường giáp ranh với khu cư dân Hoàng Công Chất là đường nội bộ của dự án, thuộc sử dụng chung của cư dân Goldmark City nên đương nhiên dự án được phép xây tường rào theo quy hoạch đường nội bộ.

Tuy nhiên, cư dân dự án Vinaconex 7 sống bên kia con đường lại có quan điểm trái ngược. Họ cho rằng, đây là tuyến đường quy hoạch của thành phố, nối thông ra trục Hồ Tùng Mậu nên ai cũng có quyền được sử dụng. Đó là chưa kể, đường vào hiện tại của cư dân Vinaconex 7 hiện đang quá nhỏ, lại liên tục ách tắc nên việc mở con đường này là điều cần thiết. Do không thống nhất được quan điểm nên cư dân 2 dự án liên tục xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự khu vực.

Giải pháp nào giảm tải?

Việc cho phép xây dựng cao ốc đồng loạt, ồ ạt mà thiếu tính toán về vị trí, áp lực dân số, hạ tầng cơ sở… đang góp phần phá vỡ quy hoạch đô thị ở Hà Nội và việc khắc phục hậu quả là rất khó khăn. Trường hợp khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội) là một ví dụ. Theo tìm hiểu, nơi đây vốn được coi là khu đô thị kiểu mẫu được nhiều người lựa chọn, nay với diện tích chỉ khoảng 5ha, nhưng lại tập trung trên 10 tòa nhà cao từ 35 - 40 tầng đã khiến khu vực này đã trở nên quá tải. Mật độ dân số dày đặc nên giao thông khu vực thường xuyên ùn ứ, nhất là đoạn đường từ ngã ba Giải Phóng - Nguyễn Hữu Thọ vào bán đảo Linh Đàm. Để giải quyết hậu quả của việc phá vỡ quy hoạch TP Hà Nội đã phê duyệt dự án xây dựng cầu vượt để giải tỏa ùn tắc cho khu vực, nhưng xem ra đó chỉ là giải pháp tình thế.

Từ ví dụ này có thể thấy, việc quy hoạch các khu đô thị, chung cư cao tầng dường như thiếu sự kết nối đồng bộ với giao thông công cộng. Hệ lụy nhãn tiền từ việc này là, gián tiếp cản trở thói quen sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho cư dân, tăng nhanh phương tiện giao thông cá nhân.

Bàn về giải pháp nào giảm tải tình trạng này, theo Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Trần Ngọc Hùng, phương án tốt nhất là bên cạnh khống chế không xây dựng công trình cao tầng nội đô, cần đồng bộ giãn dân ra các khu đô thị mới ngoại vi như định hướng quy hoạch chung đã duyệt.

Rõ ràng, muốn giảm tải, hạn chế phương tiện cá nhân thì phát triển hạ tầng giao thông cần phải được đầu tư đồng bộ, khắc phục những bất cập của giao thông công cộng. Tuy vậy, sẽ rất thiếu nếu như công tác quy hoạch đô thị, cấp phép ồ ạt cho xây dựng nhà cao tầng trong vùng lõi đô thị vẫn được tiến hành. Nói cách khác, trong việc quản lý đô thị, các cấp chính quyền thành phố cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại việc cấp phép xây dựng, phát triển “nóng” chung cư cao tầng.

Nếu cứ tiếp diễn tình trạng này thì việc phát triển đô thị một cách bền vững, giảm tải áp lực hạ tầng, đặc biệt là giao thông sẽ vẫn chỉ là những mỹ từ “nằm trên giấy”.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật VN