Tỉnh TT-Huế vừa gửi “tối hậu thư” đến chủ đầu tư các dự án chậm triển khai trên địa bàn, nếu đến hết năm 2017 vẫn chây ỳ thực hiện sẽ bị thu hồi trên thực địa. Tuy nhiên, có dự án với tổng vốn “khủng” gần 4.500 tỷ đồng như Nhà máy xi măng Nam Đông dù giậm chân tại chỗ gần 10 năm nay, gây lãng phí hàng trăm hécta đất sản xuất, nhưng vẫn ung dung tồn tại.
Việc sửa chữa, nâng cấp khu điều hành dự án nhà máy chỉ lấy lệ sau một thời gian ngắn, dự án hiện bất động trở lại.
|
Nếu đúng như những gì nhà đầu tư từng hứa hẹn và cam kết trên giấy, Nhà máy xi măng Nam Đông đã đi vào hoạt động, cho ra hàng loạt sản phẩm vật liệu xây dựng từ ngót 7 năm trước. Bởi lẽ, vào tháng 3/2009, dự án Nhà máy xi măng Nam Đông (đóng tại xã Thượng Quảng, huyện Nam Đông) được khởi công rình rang, do Cty cổ phần Đầu tư xi măng Nam Đông - Việt Song Long đầu tư, với tổng mức vốn ghi trên các công văn, giấy tờ đầu tư là 4.437 tỷ đồng. Tại lần khởi công này, nhà đầu tư từng cam kết hoàn thành xây dựng nhà máy và đưa vào vận hành từ năm 2011, hoạt động trong 50 năm. “Bánh vẽ” về sản lượng xi măng hàng năm cũng từng được phác họa nên, với bình quân 1,8 triệu tấn/năm. Chủ đầu tư còn hứa hẹn, dự án góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, tạo thêm nguồn thu hàng trăm tỷ đồng cho ngân sách tỉnh.
Vậy nhưng, qua gần 10 năm, chưa có bất kỳ mẻ xi măng nào ra lò trên vùng cao Nam Đông như nhà đầu tư từng vẽ vời. Ngược lại, tại địa phương miền núi còn nhiều khó khăn này đã có hơn 250ha đất bị thu hồi, bàn giao cho dự án rồi đem bỏ hoang, còn người dân phải chạy gạo từng bữa vì thiếu mặt bằng sản xuất. Trước đó, để giao đất thực hiện dự án “treo” nghìn tỷ, hàng chục hộ dân tại Nam Đông phải di dời đến nơi ở mới, với vô vàn khó khăn, hướng sinh kế, an cư buộc phải làm lại từ đầu, đất sản xuất thiếu thốn, nước sinh hoạt nhiễm phèn nặng…
Anh Hồ Xuân Hồng (ngụ thôn 4) là một trong rất nhiều hộ dân của xã Thượng Quảng phải dời đi lập nghiệp và định cư ở nơi mới do ảnh hưởng từ dự án xi măng. Áp lực kiếm sống, khó khăn chồng chất tại vùng tái định cư, cộng thêm thực tế đất đai làng cũ thuộc dự án xi măng bị bỏ hoang nhiều năm khiến anh Hồng và nhiều gia đình khác tại Thượng Quảng phải “đánh liều” quay về nơi cũ, canh tác trên mặt bằng đã nhận tiền đền bù để… “chống lãng phí” đất đai. Mới đây, hộ anh Hồng và nhiều gia đình lại một phen “ngồi trên lửa” vì nhiều diện tích cây cối chưa đến kỳ thu hoạch “trồng chui” trong đất dự án xi măng “treo” nhiều năm có nguy cơ bị giải tỏa, mất trắng, do công trình tái khởi động trở lại. Tuy nhiên, nỗi lo đó của nhiều gia đình tại Thượng Quảng chóng qua, do việc tái khởi động dự án xi măng Nam Đông chỉ là “báo động” giả, lấy lệ.
Theo tìm hiểu của phóng viên, sau nhiều năm án binh bất động, tháng 7/2017 vừa qua, trước chủ trương quyết liệt thu hồi các dự án “treo”, chậm tiến độ của UBND tỉnh TT-Huế, khu nhà điều hành dự án xi măng Nam Đông bỗng tấp nập người lui tới; phòng ốc, sân vườn, lối vào cũng được nâng cấp, vôi ve, chỉnh trang. Nhiều phương tiện cơ giới hạng nặng phục vụ thi công tập trung về đây như để tái khởi công nhà máy. Một người tên Tùng giới thiệu là giám đốc điều hành dự án còn thông tin, nhà máy tái khởi động với tổng vốn huy động đầu tư nâng lên hơn 8.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quả bong bóng đầu tư này nhanh chóng xì hơi. Cuối tháng 8/2017, hàng loạt xe múc, máy đào, xe tải cùng các nhân công trên công trường này bỗng dưng mất hút, những người có trách nhiệm ở đây cũng “bặt vô âm tín”.
Trước sự việc trên, làm việc mới đây với lãnh đạo huyện Nam Đông, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, chỉ đạo các Sở KH&ĐT, TN&MT phối hợp chính quyền địa phương tăng cường giám sát hiện trường thi công dự án xi măng Nam Đông; chỉ cho phép thực hiện các thủ tục khai thác khoáng sản khi dự án thi công trở lại. Trong khi đó, chính quyền và dân miền núi Nam Đông đề nghị, nếu dự án không triển khai thì phải trả lại đất để bà con canh tác, sản xuất, cải thiện sinh kế.
DiaOcOnline.vn - Theo Tiền phong
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: