Top

Loay hoay hàng tồn

Cập nhật 24/08/2012 09:30

Đã gần hết quý III-2012, thị trường BĐS vẫn chưa thấy một dấu hiệu khởi sắc nào. Trong khi đó, lượng hàng tồn kho lớn và nguồn vốn eo hẹp đang khiến nhiều doanh nghiệp (DN) BĐS khó khăn để tìm đầu ra.

Theo thống kê sơ bộ, trong 3 quý năm 2012, lượng căn hộ tồn kho liên tục tăng. Tính đến hết quý II, lượng hàng tồn kho tại thị trường Hà Nội trên 100.000 căn, tại TPHCM 47.000 căn, đồng thời khả năng hấp thụ của thị trường chỉ 7%. Giá bán của các căn hộ cũng giảm, -50% đối với thị trường TPHCM và tại Hà Nội là -40%.

Áp lực thanh lý hàng tồn kho của BĐS lại càng lớn khi nguồn cung vẫn có dấu hiệu tiếp tục tăng, đặc biệt phân khúc cao cấp. Theo tính toán của các chuyên gia, với giá bán hiện nay, giá trị ròng hiện tại của các dự án đầu tư đang ở ngưỡng nhỏ hơn hoặc bằng 0, tức dự án không còn hiệu quả, giá bán đã thấp hơn với suất đầu tư ban đầu. Điều này đang đẩy các DN BĐS vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Tiếp tục giữ hàng hóa để chờ thị trường khởi sắc cũng không thể mà hạ giá bán nhằm cắt lỗ, trả lãi và gốc các khoản vay từ trước cũng không dễ.

Theo ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, đây là thời điểm các DN BĐS đã hoàn toàn hết “siêu lợi nhuận” và đang khó khăn chồng chất. Hiện nay các DN không còn khả năng hấp thụ vốn khi không có tài sản thế chấp và không bán được hàng để thanh toán gốc và lãi, vì vậy không thể có các khoản vay mới để tiếp tục phát triển các dự án hay phát triển kinh doanh.

Mặt khác, do thiếu kế hoạch về định hướng nguồn cung và một phần khó khăn về chính sách, đa phần BĐS đang tồn kho tại thời điểm này đều có diện tích lớn ở phân khúc giá trung bình hoặc cao cấp, rất khó tìm người mua.

"Bế tắc” có lẽ là trạng thái chính xác của phần lớn DN BĐS hiện nay. Mặc dù hàng loạt ngân hàng thương mại đã tung ra chương trình cho vay ưu đãi mua nhà với lãi suất hấp dẫn, tổng giá trị gói tín dụng lên tới 27.000 tỷ đồng nhưng hầu hết các DN BĐS phải “ngồi nhìn” do không đủ điều kiện vay.

Ngoài một số dự án còn hoạt động do chủ đầu tư còn vốn, hàng loạt dự án chậm tiến độ, để hoang trên địa bàn Hà Nội đã phần nào cho thấy thực trạng yếu ớt của các DN. Bế tắc về vốn và không thể giải phóng hàng tồn kho đang đẩy nhiều DN vào tình thế phá sản hoặc tạm dừng hoạt động.

“Thị trường đang ở trạng thái trơ do người mua rời bỏ thị trường, kể cả DN giảm giá cũng khó có người mua” - ông Phạm Thanh Hưng, Phó Tổng giám đốc Century Group, cho biết. Một khảo sát của Công ty Kiểm toán Ernst & Young Việt Nam cho thấy có đến 70% số người làm trong lĩnh vực BĐS nói gặp khó khăn trong kinh doanh và tìm kiếm lợi nhuận từ BĐS. Cùng với đó, có đến 50% dự án BĐS hiện nay vượt dự toán kinh phí ban đầu.

DiaOcOnline.vn - Theo ĐTTC