Top

Tăng giá bất động sản: Chiêu “đánh lừa” tâm lý người mua?

Cập nhật 24/08/2012 08:00

Thay vì tiếp tục giảm giá để kích cầu, một số chủ đầu tư bất động sản (BĐS) đã mạo hiểm đi ngược lại xu hướng bằng cách tăng giá bán. Đây được xem là chiêu đánh lừa tâm lý người tiêu dùng.

Ngân hàng sẵn sàng “bảo kê” BĐS giá rẻ

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc Ngân hàng Đông Á khẳng định, Ngân hàng Đông Á cùng các đối tác sẵn sàng hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho các doanh nghiệp BĐS hoàn thiện dự án với điều kiện giá căn hộ bán ra phải hợp lý, vừa túi tiền người tiêu dùng. Ông Bình còn cho biết thêm, Ngân hàng Đông Á cũng sẵn sàng cho người mua nhà vay với lãi suất từ 10 – 12% trong năm đầu tiên để kích cầu BĐS.

Một góc khu Sunrise City, Quận 7, TP.HCM.

Hiện mức giá một căn hộ vùng ven trên địa bàn TP.HCM trung bình ở mức 14 - 16 triệu/m2. Nhiều doanh nghiệp BĐS cho biết, họ rất muốn giảm giá để kích đầu ra, nhưng nếu giảm tối đa cũng chỉ dừng lại ở 12 – 14 triệu đồng/m2. Với mức giá này, những cặp vợ chồng trẻ làm việc văn phòng cũng khó mơ tới huống chi dân nhập cư, hay công nhân làm tại các KCX, KCN. Theo khảo sát, tại TP.HCM hầu như không có căn hộ nào có giá khoảng 10 triệu đồng/m2. Không ít chủ đầu tư thà ngừng hoàn thiện dự án chứ không chịu giảm sâu.

Cùng với việc giải phóng mặt bằng để triển khai hàng loạt dự án hạ tầng đô thị lớn trên địa bàn TP.HCM như các tuyến Metro, các tuyến đường vành đai, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm… sẽ kéo theo hàng chục ngàn hộ gia đình cần nhà ở. UBND TP.HCM cũng vừa chỉ đạo UBND các quận 7, 8, Nhà Bè, Bình Chánh tiến hành rà soát toàn bộ các dự án trên địa bàn khu Nam và vùng phụ cận. Qua đó, thống kê số lượng quỹ nhà tái định cư cần sử dụng để cân nhắc có nên triển khai ngay việc xây mới 11.000 căn hộ tái định cư hay không.

Trong khi đó, theo thống kê chưa chính thức, hiện trên địa bàn TP.HCM có tới trên dưới 20.000 căn hộ tồn kho của các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn. Như vậy, nghịch lý là trong khi có quá nhiều căn hộ bỏ trống thì cũng ngần ấy hộ gia đình đang rất cần nhà ở. Câu hỏi đặt ra là tại sao UBND TP.HCM không tận dụng căn hộ tồn kho của các doanh nghiệp để bố trí làm căn hộ tái định cư. Câu trả lời liệu có phải là giá căn hộ tồn kho quá cao, TP.HCM không thể nào kham nổi?

Theo ông Stephen Wyatt, Giám đốc Điều hành toàn quốc của Công ty tư vấn BĐS Knight Frank Việt Nam, vấn đề lớn nhất hiện nay mà thị trường nhà ở phải đối mặt là tính thanh khoản và độ tin cậy. Tính thanh khoản trong BĐS được xem là nguyên nhân chủ yếu của nợ xấu ngân hàng, bởi lượng vốn ứ đọng trong BĐS có thể lên tới con số khổng lồ. Trong khi đó, khoản dự phòng rủi ro trong BĐS được cho là rất cao, khó kiểm soát, trở thành “hố đen” của doanh nghiệp BĐS.

Tăng giá để kích cầu là mạo hiểm

Trả lời câu hỏi rằng giảm giá có phải là tiêu chí để kích cầu BĐS trong thời điểm này hay không, ông Stephen Wyatt cho rằng, do thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, nhiều chủ đầu tư nghĩ rằng cần giảm giá bán để thu hút người mua. Để thị trường BĐS có thể cải thiện tình hình, người đầu tư (người mua) cần được đảm bảo giá tài sản ở mức thấp nhất để họ có thể tin tưởng vào việc đầu tư này. Giảm giá là xu hướng phổ biến hiện nay, nhất là đối với các chủ đầu tư chưa có thương hiệu.

“Tuy nhiên, Knight Frank hiện đang đi ngược lại xu hướng qua việc phân phối những dự án cao cấp và chúng tôi tư vấn khách hàng cần tăng giá nhẹ hơn là tiếp tục giảm giá. Điều này giúp người mua tin tưởng vào dự án và tin rằng các chủ đầu tư sẽ không chào thêm mức khuyến mãi khác trong tương lai”, ông Stephen Wyatt nhấn mạnh.

Giải thích lý do tăng giá, ông Stephen Wyatt cho biết, đưa ra thêm các gói khuyến mãi không đồng nghĩa với việc sẽ tăng doanh số bán hàng và hơn nữa người mua có khi lại không muốn tham gia đầu tư. Bởi, nếu các chủ đầu tư tiếp tục các chương trình giảm giá, người mua sẽ nghĩ rằng tháng tới sẽ có nhiều ưu đãi hơn khi đó họ sẽ không bị mất tiền.

Các chuyên gia lại cho rằng, tăng giá để kích cầu trong thời điểm này là một bước đi mạo hiểm bởi rõ ràng những người có nhu cầu nhà ở thật có cơ sở để tin rằng, trong một tương lai không xa, giá nhà sẽ ở mức hợp lý mà những người thu nhập thấp vẫn có thể sở hữu được.

Để tạo niềm tin người tiêu dùng, các nhà phân tích cho rằng, vấn đề không nằm ở chỗ tăng giá mà nằm ở chỗ minh bạch hóa thị trường. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM thừa nhận, giá BĐS hiện nay vẫn chưa hợp lý. Lý giải điều này, ông Châu cho biết do nhà đầu tư BĐS phải gánh quá nhiều chi phí. “Chúng tôi đã có văn bản gửi Thường trực Thành ủy và UBND TP.HCM nhằm kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là đầu ra và vốn giá rẻ”, ông Châu khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo Tổ Quốc