Top

Lộ diện gương mặt rót tỷ đô vào bất động sản

Cập nhật 09/03/2015 13:18

Sau thời gian dài mất đi sức hấp dẫn, thị trường bất động sản Việt Nam đã le lói trở lại trên màn hình ra đa của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh những nhà đầu tư đã có thâm niên, đã xuất hiện một số gương mặt mới đăng ký rót hàng tỷ USD vào thị trường.

Với 2,54 tỷ USD được cấp mới và tăng vốn trong năm 2014, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào lĩnh vực bất động sản đã đạt mức cao nhất trong vòng 4 năm trở lại đây và có sự tăng trưởng vượt bậc so với thời kỳ thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng (năm 2011 chỉ thu hút được 845 triệu USD).


Dự án 1,25 tỷ USD của Dewan sẽ góp phần thay đổi diện mạo Nha Trang. Ảnh: Lê Toàn

Dòng chảy vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản cũng tương đồng với tình cảnh mà ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty CBRE, đã đối mặt trong mấy năm qua. Là người đứng đầu một trong những đơn vị tư vấn bất động sản nước ngoài tại Việt Nam, nhưng trong các cuộc họp của Tập đoàn ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương suốt mấy năm qua, ông Marc Townsend hầu như “bị phớt lờ” bởi các lãnh đạo Tập đoàn.

Nhưng đã có sự khác biệt trong năm ngoái, khi lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn đã “chịu nói chuyện với ông” về thị trường bất động sản Việt Nam. Điều đó chứng tỏ đã có sự quan tâm trở lại của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Việt Nam.

Năm ngoái, một nhà đầu tư mới là Dewan International đã nhận giấy phép đầu tư dự án bất động sản mang tên The Phoenix Beach tại Nhà Trang, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 1,25 tỷ USD. Đây cũng là dự án bất động sản có vốn đầu tư đăng ký trên 1 tỷ USD hiếm hoi trong những năm gần đây sau.

Mặc dù nhà đầu tư đăng ký đến từ Hồng Kông, nhưng thực chất, đây là một doanh nghiệp được giới thiệu là đã đầu tư nhiều dự án bất động sản ở Ấn Độ có giá trị trên 1 tỷ USD như Khu đô thị New Vasai với dân số trên 1 triệu người. Dewan đã đệ trình một kế hoạch đầy tham vọng tại Việt Nam, với kế hoạch biến khu đất ngoài bãi biển Nha Trang kéo dài hơn 4 km từ cầu Trần Phú đến sân bóng Thanh Niên thành những tổ hợp nhà ở, khách sạn, nhà hàng…, với tổng cộng 60 hạng mục khác nhau.

Một tên tuổi mới xuất hiện nữa là Tập đoàn Bất động sản Blenheim với Dự án Khu đô thị Thành phố công nghệ Xanh tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư đăng ký 302 triệu USD và diện tích 57,5 ha.

Một số dự án mới khác được đề cập trong thời gian qua như Khu du lịch Vũng Rô ở Phú Yên do Vung Ro Petroleum và Rose Rock đề xuất (vốn đầu tư dự kiến 2,5 USD) và Thành phố Thông minh Smart City tại Thủ Thiêm, TP.HCM (vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD) do Lotte đề xuất, dù vẫn chưa được cấp phép nhưng cũng cho thấy mối quan tâm của các nhà nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường bất động sản Việt Nam.

Mặc dù vậy, những gương mặt mới như Dewan hay Blenheim vẫn thực sự hiếm hoi trên thị trường bất động sản Việt Nam. Thực tế, nguồn vốn đăng ký mới đã có sự tăng trưởng, nhưng đóng góp không nhỏ vào tỷ trọng này là các nhà đầu tư nước ngoài đã có thâm niên kinh doanh hàng chục năm ở Việt Nam như Sunwah hay Keppel Land.

Năm ngoái, Sunwah đã nhận giấy phép đầu tư dự án nhà ở có tổng vốn đầu tư 200 triệu USD tại phường 9, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Dự án này ban đầu thuộc sở hữu của Công ty cổ phần Xây dựng số 5 (Việt Nam), nhưng doanh nghiệp này đã chuyển nhượng dần phần vốn góp cho các đối tác, trong đó, Sunwah đã mua lại được 48% cổ phần. Sunwah chính là nhà đầu tư tòa tháp văn phòng Sunwah Tower và Khu đô thị Saigon Pearl tại TP.HCM.

Một dự án lớn khác được cấp phép năm ngoái thuộc về Công ty TNHH Villa Arcadia tại TP.HCM, với tổng vốn đăng ký 102 triệu USD, nhưng thực chất đây là liên doanh giữa Công ty TNHH Tiến Phước (Việt Nam) và một công ty con của Tập đoàn Keppel Land (Singapore). Keppel Land đã và đang đầu tư hàng chục dự án bất động sản tại Việt Nam, như Khu căn hộ Estella và Khu biệt thự Villa Riviera tại TP.HCM.

Thậm chí, vốn FDI đăng ký trong 2 tháng đầu tư năm nay trong lĩnh vực bất động sản cũng chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp bất động sản đã hoạt động tại Việt Nam. Cụ thể, trong 2 tháng qua, đã có 100 triệu USD vốn FDI cấp mới và tăng thêm trong lĩnh vực bất động sản, nhưng có tới 50 triệu USD là do kế hoạch tăng vốn của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Hải Phòng. Dự án này được cấp phép cho Công ty TNHH Chuo Việt Nam vào cuối năm 2013, với vốn đầu tư ban đầu là 210 tỷ đồng.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư