Top

Ồ ạt lập DN bất động sản: Đón đầu năm "vàng trong cát"?

Cập nhật 09/03/2015 09:35

Trong vòng 2 tháng đầu năm 2015, có đến gần 14.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, trong đó số lượng DN BĐS thành lập, tăng gần 89% so với năm 2014.

Mới đây, Tổng cục Thống kê vừa đưa ra những con số khiến nhiều người phấn khởi. Trong vòng 2 tháng đầu năm 2015, có đến gần 14.000 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, trong đó số lượng DN BĐS thành lập, tăng gần 89% so với năm 2014. Không ít người cho rằng, việc các công ty địa ốc “ồ ạt” khai sinh cho thấy kinh tế đang hồi phục, ngành BĐS sẽ có bước “lột xác” trong năm mới.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khẳng định, sắp tới sẽ có những cuộc cạnh tranh khốc liệt trong ngành địa ốc và không loại trừ khả năng sẽ có “cơn bão” giải thể từ các DN nhỏ.

Bất động sản sẽ lột xác?

Theo thông tin mà PV có được, tính chung 2 tháng đầu năm 2015, cả nước có 13.766 DN đăng ký thành lập mới với tổng vốn là 77,5 nghìn tỉ đồng, tăng 26,6% về số DN và tăng 23,3% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số vốn đăng ký bình quân một DN thành lập mới trong 2 tháng đạt 5,6 tỷ đồng, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2014.

Điều khiến mọi người chú ý là trong lĩnh vực BĐS, mấy năm qua được xem là “nghĩa địa” chôn tiền của nền kinh tế cũng như nhiều DN. Song theo bản thống kê này, đây là lĩnh vực có số DN thành lập mới tăng cao, mức tăng lên tới 88,8% so với cùng kỳ năm 2014.

Ngay lập tức, những con số này trở thành đề tài nóng, được đem ra mổ xẻ, phân tích. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc số lượng DN nói chung, công ty BĐS nói riêng tăng đột biến so với cùng kỳ cho thấy sự phục hồi tích cực và đi lên của thị trường trong năm 2015. Ước tính mỗi ngày có đến 223 DN đăng ký thành lập mới. Đây là con số đáng ngạc nhiên.

Không ít ý kiến đánh giá, năm Ất Mùi sẽ là bước “lột xác” của thị trường sau khoảng thời gian dài lặn ngụp, mò mẫm dưới đáy. Những người “ăn mày dĩ vãng” tự động viên nhau rằng, so với những năm trước 2010, thời hoàng kim của BĐS, không có cơ hội nào có “thiên thời, địa lợi” tốt hơn để “hồi sinh” trong thời điểm này.

Trao đổi với PV, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất khiến các DN ồ ạt đăng ký kinh doanh là do yếu tố cơ chế và thị trường. 2015 được đánh giá là năm có nhiều điều kiện thuận lợi như kinh tế vĩ mô ổn định, tỉ lệ lạm phát, lãi suất giảm... Chính vì vậy, các DN nhìn nhận được cơ hội phát triển trong năm này.

“Tuy nhiên, tôi cũng chưa thể lý giải được tại sao các DN BĐS lại tăng đột biến đến như vậy, trong khi thực tế thị trường này chưa có sự khởi sắc đáng kể. Hơn nữa, bất cứ ai nhìn vào cũng đều biết rằng sốt giá nhà, giá đất trong năm nay là điều không thể. Chúng ta đã ghi nhận những trường hợp DN thi nhau thành lập rồi cũng “ôm nhau” phá sản hàng loạt. Hy vọng vết xe đổ năm cũ sẽ không lặp lại”, chuyên gia Doanh chia sẻ.

Lửng lơ khát vọng làm giàu

Ở góc nhìn thực tế hơn, nhiều chuyên gia kinh tế lại thấy điều đáng nghi ngại trong việc các DN nói chung, BĐS nói riêng “khai sinh” ồ ạt trong thời điểm này. Dưới góc độ một DN, cũng là Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, ông Nguyễn Văn Đực, Giám đốc công ty địa ốc Đất Lành bày tỏ: Nhìn bề ngoài, con số gần 14.000 DN thành lập mới sẽ khiến nhiều người cảm thấy vui mừng, đặc biệt trong đó số lượng DN BĐS tăng cao.

Tuy nhiên, khi nhìn toàn cục, con số trên không đáng để vui mừng đến như vậy. Bởi Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, trong 2 tháng đầu năm 2015, có tới 16.000 DN tuyên bố giải thể, ngừng hoạt động. Trong số đó không ít cũng là các DN BĐS. Con số này tăng rất nhiều so với 2 tháng đầu năm 2014.

“Những DN BĐS giải thể trong 2 tháng đầu năm đều đã có lịch sử, kinh nghiệm. Họ được ví là những “anh thanh niên” rồi. Trong khi đó, số mới thành lập chỉ được coi là một đứa “trẻ sơ sinh”, chưa biết và va vấp với thị trường. Hơn nữa, tôi nghi ngờ rằng, trong số các DN mới “khai sinh” có không ít trường hợp thành lập theo kiểu phong trào. Vậy hỏi chúng ta nên vui hay buồn”, ông Đực phân tích.

Ông Nguyễn Văn Đực.

Cùng quan điểm, ông Đỗ Văn Triều, Trưởng phòng Hành chính Công ty xây dựng Lideco nhấn mạnh, hầu hết các DN mới thành lập đều là công ty nhỏ, có số vốn đăng ký không lớn, bình quân chỉ khoảng 5,6 tỉ đồng. Điều này nghĩa là họ rất “mong manh” trước những biến động xảy ra.

Ông Triều cho rằng: “Sự xuất hiện ồ ạt của các DN BĐS chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh khốc liệt trên thị trường. Vậy, trước sức ép của các “ông lớn” đi trước chiếm ưu thế về mọi mặt như vốn, kinh nghiệm, uy tín, thương hiệu... các DN này khó có thể trụ vững chứ đừng nói đến việc phát triển. Hay chỉ cần một cơn sóng khó khăn, họ lại rơi rụng dần. Kinh nghiệm cho thấy, năm 2014, hầu hết các DN BĐS “chết yểu” đều là các công ty vừa và nhỏ”.

Ở một chiều hướng khác, nhiều người cho rằng, việc xuất hiện ồ ạt các DN BĐS là bởi năm nay được xem là “cơ hội vàng” cho sự phát triển của ngành địa ốc nếu xét dưới góc độ phong thủy.

Chia sẻ với PV báo Đời sống và Pháp luật , chuyên gia phong thủy Vũ Mộng Giao phân tích: “Theo Âm dương Ngũ hành, năm 2015, Ất Mùi mang mệnh Kim (Sa Trung Kim - PV). Đầu năm, tôi cũng nhận được không ít lời mời đi xem ngày, địa thế và hướng cho các công ty BĐS. Nhiều người nói với tôi rằng, sở dĩ họ đăng ký thành lập doanh nghiệp địa ốc bởi năm 2015 hợp mệnh với những người mang mệnh Thổ và với kinh doanh BĐS. Bởi năm 2015 là mệnh Kim. Trong ngũ hành, Kim sinh Thổ, hơn nữa năm nay lại là Sa Trung Kim (vàng trong cát-PV), có nghĩa là tìm trong đất cát sẽ ra vàng, tiền. Theo tôi, đó cũng là một trong những nguyên nhân các DN BĐS tăng gần 89% so với năm ngoái”.

Lần theo địa chỉ mà chuyên gia Vũ Mộng Giao cung cấp về các DN BĐS mới thành lập. Trao đổi với PV, anh Nguyễn Minh Đức, Giám đốc công ty tư vấn BĐS Đức Tín (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Việc dựa vào Ngũ hành cũng chỉ là một trong những nguyên nhân để chúng tôi thành lập công ty vào năm Ất Mùi. Các cụ nói rằng “có kiêng có lành”, tôi SN 1976, tuổi Bính Thìn, Ngũ hành năm sinh là Sa Trung Thổ (vàng trong đất). Năm nay lại là Sa Trung Kim, rất hợp mệnh của tôi và hợp với sự phát triển của ngành BĐS. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là năng lực của từng công ty và năm 2015 theo dự báo BĐS sẽ hồi sinh”.

“Tay không bắt giặc”?

Dẫn lời TS. Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng bộ Xây dựng, nhìn vào kinh tế và chính sách năm 2015, nhiều người đều nhìn thấy lợi nhuận của thị trường BĐS. Chính vì thế, nhiều nhà đầu tư tham gia vào địa ốc dưới hình thức “tay không bắt giặc”. Tuy nhiên, trong thời điểm này, với hàng chục ngàn DN đang cạnh tranh gay gắt, bất cứ công ty nào muốn trụ được và có lãi cần phải có tiềm lực và năng lực thực sự. Thị trường BĐS năm nay rất hứa hẹn, cơ hội chia đều cho tất cả các nhà đầu tư. Nhưng phải là DN có kinh nghiệm và năng lực mới có thể tồn tại.


DiaOcOnline.vn - Theo Đời sống & Pháp luật