Trong khi Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu phải tháo dỡ “lô cốt” để dân dễ dàng đi lại trong dịp Tết, thì nhiều “lô cốt” mới dỡ nay mọc trở lại, thậm chí có nơi trở thành nhà kho, chỗ sinh hoạt của công nhân ở ngay giữa đường...
Dân kêu trời
Sau gần một năm bị dãy “lô cốt” hành hạ đủ kiểu, người dân trên đường Trần Quang Diệu và Trần Huy Liệu thuộc Q.3 và Phú Nhuận rất phấn khởi khi thấy một loạt “lô cốt” được tháo bỏ. Thế nhưng, chưa kịp mừng, người dân lại kêu trời khi thấy một số “lô cốt” dựng chình ình giữa con đường vốn đã chật hẹp, khiến kẹt xe xảy ra thường xuyên hơn.
Sáng 10.12, chúng tôi vào bên trong “lô cốt” nằm trước số nhà 49 Trần Quang Diệu, P.14, Q.3. Bên trong không một bóng người, không có một hố đào nào ngoài một đống đá xanh và vài tấm đan. Biết chúng tôi là nhà báo, một số người dân gần đó liền chạy đến thi nhau trút bực bội. Ông Nguyễn Thụy nhà gần đó, vừa chỉ tay về phía “lô cốt”, vừa bức xúc: “Gọi nó là nhà kho thì đúng hơn. Lâu lâu có vài công nhân đến bỏ đồ, vật tư vào đó rồi đóng cửa lại bỏ đi, chứ có thi công gì đâu”.
“Lô cốt - nhà kho” trên đường Trần Quang Diệu
nối dài nhìn từ trên xuống.
Cũng nằm trên đường Trần Quang Diệu nhưng thuộc P.13, Q.3, một “lô cốt” khác án binh bất động cả 3 tuần nay. Đây là lần thứ hai trong năm "lô cốt" mọc lên tại khu vực này, nhưng không phải để thi công như trước đó mà ngoài chiếc xe xúc đất và đống vật tư sắt, thép để bên trong, không có dấu vết đào đường nào. Trong khi đó, kẹt xe tại khu vực này cứ diễn ra liên miên, đường bị thu hẹp gần hết nên chuyện va quệt cũng xảy ra như cơm bữa...
Nhưng có lẽ bức xúc nhất là “nhà kho” đặt trước nhà số 6 bis Phạm Văn Hai (P.2, Q.Tân Bình). Theo người dân địa phương, "lô cốt" này được dựng lên từ vài tháng nay, chủ yếu để làm nơi chứa vật tư và nghỉ ngơi, sinh hoạt của công nhân thi công ở các "lô cốt" gần đó. Vì làm nơi sinh hoạt, nên không ít công nhân thiếu ý thức cứ tự nhiên phóng uế khắp nơi, bất chấp sự nhắc nhở của mọi người. “Ngày nào tôi cũng lấy nước ra dội để át bớt mùi khai nồng nặc xung quanh "lô cốt". Không biết chúng tôi còn phải khổ sở với nó đến bao giờ”, bà H. - một người dân sống gần đó - than phiền.
Một “lô cốt - nhà kho” trên đường Phạm Văn Hai,
Q.Tân Bình (Ảnh: M.Nam).
Thanh tra không biết?
Trưa 10.12, chúng tôi đã chuyển những bức xúc của người dân sống cạnh các “lô cốt - nhà kho” tới Thanh tra giao thông vận tải, nhằm có biện pháp xử lý. Tiếp xúc với phóng viên, Phó chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải Trần Hồng Nam không tin có tình trạng ngăn đường làm "nhà kho" như phóng viên và người dân phản ánh. “Tôi đã đi kiểm tra hết rồi, chưa chỗ nào có hiện tượng như phóng viên và bà con nêu cả, kể cả lề đường cũng không dám làm kho nữa chứ đừng nói đến là giữa đường...”, ông Nam khẳng định. Khi phóng viên khẳng định đang lưu giữ hình ảnh những "nhà kho" giữa đường nhiều tuần nay thì ông Nam cho biết sẽ cử người xuống kiểm tra.
Khoảng 12 giờ 30 cùng ngày, người dân trên đường Trần Quang Diệu vui mừng khi thấy một tốp thanh tra GTCC xuống kiểm tra, chụp ảnh hiện trường "lô cốt - nhà kho" tại đây. Tuy nhiên, sau khi chụp ảnh "lô cốt" này và ghi nhận những thông tin do người dân xung quanh cung cấp, các nhân viên thanh tra liền lên xe bỏ đi và không cho biết bao giờ sẽ xử lý.
Nhân viên Thanh tra GTCC ghi hình “lô cốt nhà kho” trên
đường Trần Quang Diệu nối dài (P.13, Q.3) vào trưa 10.12.
"Người dân chấp nhận đi lại khó khăn để thành phố rào đường triển khai mấy đại công trình dân sinh, nhưng không chấp nhận cảnh "lô cốt" cứ chình ình tháng này qua tháng nọ vì nhà thầu làm ì ạch, hoặc bỏ không làm nhà kho", ông Nguyễn Văn Thinh (ngụ đường Trần Quang Diệu, P.14, Q.3) nói. Còn anh M., bảo vệ một nhà hàng trên đường Trần Quang Diệu (Q.3) cho biết người dân sống gần khu vực này đang làm đơn đề nghị UBND phường cho phép... tự tháo dỡ "lô cốt - nhà kho" trên tuyến đường, trả lại lòng đường cho giao thông.
Còn phải khổ vì "lô cốt" dài dài
Theo Sở GTVT, mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp chấn chỉnh, nhưng tình trạng vi phạm của các rào chắn trên đường vẫn còn xảy ra phổ biến. Từ đầu năm 2008 đến nay, Thanh tra Sở GTVT đã xử phạt hơn 2.000 trường hợp rào chắn vi phạm, với số tiền xử phạt hơn 5 tỉ đồng; đình chỉ thi công và buộc phải khắc phục hậu quả 25 công trình có hành vi vi phạm nhiều lần; cưỡng chế, giải tỏa 13 đơn vị thi công dựng rào chắn khi chưa có giấy phép thi công hoặc thông báo phân luồng của Sở GTVT... Sở GTVT cũng cho biết, từ nay đến Tết Nguyên đán 2009, dự kiến sẽ giảm 127 vị trí rào chắn đang thi công, nhưng tăng mới 59 vị trí rào chắn khác.
DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: