Top

Liên thông sàn: lợi cho cả ba bên

Cập nhật 08/10/2009 13:55

Một số khách hàng đang tham khảo thông tin tại một sàn giao dịch bất động sản ở TPHCM. Ảnh: Đình Dũng

Trong lĩnh vưc kinh doanh bất động sản, thông tin đóng một vai trò hết sức quan trọng, và việc kết nối thông tin nhanh chóng sẽ không chỉ giúp mang lại sự thuận lợi cho cả người mua và người bán mà còn giúp các nhà quản lý nắm bắt được nhu cầu và sự phát triển của thị trường.

Tuy nhiên, vẫn còn đó một câu hỏi: cho đến bao giờ cơ quan quản lý thị trường này thiết lập được cơ sở dữ liệu như mong muốn, làm cầu nối để các sàn giao dịch bất động sản liên thông, chia sẻ thông tin với nhau để phục vụ công việc kinh doanh của mình?

Khi doanh nghiệp tự xoay sở

Thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp lập sàn giao dịch bất động sản. Một phần là do nhu cầu của thị trường, và cũng một phần là để đối phó với quy định bắt buộc các sản phẩm của các dự án phải thông qua sàn. Hơn nữa, thị trường bất động sản cũng đã thành lập Mạng các sàn giao dịch bất động sản Việt Nam với mục đích tạo lập cơ sở dữ liệu chung, nhưng thông tin còn manh mún, chưa đủ phát triển thành hệ thống cơ sở dữ liệu để phục vụ thị trường này.

Ông Bùi Tiến Thắng, Phó tổng giám đốc Sacomreal, cho rằng hiện nay gần như các doanh nghiệp phải tự xoay sở để có được thông tin khi cần. Lẽ ra cơ quan quản lý phải có trung tâm tập hợp và công bố thông tin đáng tin cậy về tất cả các dự án bất động sản đã và đang triển khai để các doanh nghiệp trong ngành, các sàn giao dịch có thể tham khảo khi cần thiết nhằm cung cấp thông tin, tư vấn cho khách hàng có nhu cầu. Chẳng hạn các thông tin căn bản như dự án căn hộ A do ai xây dựng; tình trạng pháp lý như thế nào; tổng số lượng căn hộ là bao nhiêu; bao giờ bán; giá cả ra sao…

Ông Thắng cho rằng có được những thông tin như trên không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp mà còn giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm được diễn biến cung cầu của toàn thị trường, để qua đó có thể ban hành những chính sách phù hợp nhằm điều tiết thị trường.

Trong bối cảnh cơ sở dữ liệu thị trường còn yếu kém, chưa minh bạch và chưa được hệ thống hóa, nhiều doanh nghiệp phải tự lập hệ thống riêng để phục vụ cho công việc kinh doanh. Thực tế cũng có những doanh nghiệp đã mạnh dạn liên kết và bắt đầu thí điểm phát triển cơ sở dữ liệu của mình.

Chẳng hạn ba sàn giao dịch bất dộng sản ở Đồng Nai là TinNghia, Donaland và Sonadezi vừa ký kết hợp tác toàn diện giữa các lĩnh vực kinh doanh dự án bất động sản, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu thị trường và liên kết đào tạo nguồn nhân lực. Xem đó là bước nâng dần tính chuyên nghiệp của thị trường và góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc sàn giao dịch bất động sản Tín Nghĩa (Tinnghia Land), cho biết sau một thời gian tìm hiểu, doanh nghiệp này đã chính thức triển khai hệ thống mạng sàn MLS (Multiple Listing System) tại thị trường Đồng Nai, với mong muốn tạo lập một kênh thông tin hiện đại với nhiều thông tin đa dạng, trung thực và kịp thời về nhà đất và bất động sản trên thị trường.

Bà Hương cho biết đây là hệ thống niêm yết thông tin bất động sản đa chiều đang được ứng dụng rộng rãi tại thị trường Singapore. Với MLS, bên bán sẽ có hệ thống quản lý dữ liệu của mình, đồng thời có thể tiếp cận nguồn dữ liệu từ các công ty khác mà không phải thương thảo từng đối tác một. Hơn nữa, sản phẩm của bên bán cũng sẽ được phân phối qua mạng lưới hàng ngàn các chuyên gia môi giới chuyên nghiệp tham gia hệ thống này thay vì mất chi phí cho việc thiết lập từng mối quan hệ hợp tác môi giới.

Bà Hương cho biết các thành viên tham gia hệ thống này sẽ được cấp tài khoản để truy cập, và nếu các doanh nghiệp tham gia chia sẻ thông tin càng nhiều, người truy cập có thể tìm hiểu tất cả các dự án bất động sản trong nước. Từ tính pháp lý của dự án đến giá cả… để cung cấp cho khách hàng của mình.

Theo bà Hương thì mô hình này cũng chính là cơ sở để làm chỉ số giá thị trường bất động sản, và nếu mô hình này thành công sẽ giúp nhân rộng để các doanh nghiệp khác có thể tham gia. Tuy nhiên, để tham gia vào hệ thống này các doanh nghiệp phải trả phí theo gói truy cập. Chẳng hạn với một doanh nghiệp bất động sản tham gia gói 50 người truy cập (account) thì phí hàng tháng khoảng 3,6 triệu đồng.

Hiện các doanh nghiệp này đang trong quá trình nhập dữ liệu vào hệ thống, sau đó sẽ giao dịch thử và dự kiến sẽ chính thức đưa vào sử dụng vào đầu năm tới.

Sẽ nâng tiêu chí lập sàn


Trong khi các doanh nghiệp tự đầu tư để thiết lập kênh thông tin về thị trường thì cách làm của cơ quan quản lý thị trường bất động sản hiện nay vẫn chờ các doanh nghiệp có sàn giao dịch báo cáo hoạt động để xây dựng dữ liệu.

Theo báo cáo của Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, thuộc Bộ Xây dựng, tính đến tháng 9 năm nay đã có 226 sàn giao dịch bất động sản trên toàn quốc. Trong đó, tại TPHCM có 123 sàn; Hà Nội có 82 sàn giao dịch. Số lượng sàn còn lại thuộc các tỉnh như Bình Dương với 9 sàn, Đà Nẵng 6 sàn, Kiên Giang 2 sàn, Đồng Tháp 2 sàn, Quảng Nam và Lạng Sơn mỗi nơi có 1 sàn.

Tuy nhiên, do thiếu kiểm tra, thiếu biện pháp chế tài và mới chỉ khuyến khích các sàn báo cáo số liệu về cơ quan quản lý nên cũng không nhiều các doanh nghiệp làm việc này. Cụ thể là trong đợt báo cáo vừa qua, do thời gian yêu cầu gấp nên chỉ có 33 sàn giao dịch bất động sản nộp báo cáo. Theo ước tính tỷ lệ giao dịch bất động sản thông qua hệ thống sàn chỉ chiếm khoảng 15% - 30% trên tổng số giao dịch của thị trường.

Trong số các bất cập xung quanh hoạt động của các sàn giao dịch, phần lớn doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án tự lập sàn để phân phối sản phẩm của chính mình, hoạt động như một phòng kinh doanh của công ty. Bên cạnh đó nhiều dự án giao dịch sản phẩm chưa đủ điều kiện giao dịch qua sàn thông qua hợp đồng vay vốn, góp vốn vào dự án. Điều đó khiến cho giao dịch qua sàn lại càng ít hơn.

Bà Vũ Thị Hòa, Cục phó Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, cho biết theo quy định thì doanh nghiệp chỉ được phép bán căn hộ khi đã hoàn tất xong phần móng. Nhưng trên thực tế nhiều giao dịch chỉ là hợp đồng góp vốn nên không bị sàn chi phối, nên nhiều dự án khi xong móng chỉ còn một ít căn hộ để qua sàn, thậm chí những dự án nhỏ đã bán hết từ lâu.

Hơn nữa nhiều người cho rằng thủ tục thành lập sàn đơn giản, dễ dãi cũng là lý do khiến cho số lượng sàn tăng nhanh trong thời gian qua, trong khi tính chuyên nghiệp của dịch vụ lại chưa cao.

Bà Hòa cho biết bên cạnh việc nghiên cứu bổ sung, sửa đổi các quy định của pháp luật còn chưa phù hợp với thực tế, cơ quan quản lý đang có kế hoạch kiểm tra hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, đồng thời sẽ nâng tiêu chí thành lập sàn trong thời gian tới.


DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG