Chính sách lệ phí trước bạ với ý nghĩa là ghi nhận, bảo hộ quyền sở hữu các tài sản này do Chính phủ ban hành theo các nghị định số 176/1999/NĐ-CP và nghị định 47/2003/NĐ-CP đang tỏ ra ngày càng không phù hợp. Tuần qua, bộ Tài chính đã có một tờ trình đề nghị Chính phủ sửa đổi hai nghị định trên
Những điểm bất hợp lý trong chính sách này ngày càng lộ rõ. Ví dụ như việc thu lệ phí trước bạ theo tỷ lệ 1% tính trên giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành.
Gánh nặng của dân nghèo, bất lực với người giàu
Lệ phí trước bạ đã trở thành một gánh nặng rất lớn cho người dân, nhất là các hộ nghèo. Bởi lẽ, giá đất hiện nay phải sát giá thị trường, cho nên, mức thu lệ phí trước bạ đã tăng lên nhiều lần so với trước. Cùng với khoản nộp lệ phí trước bạ, khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (còn gọi là sổ đỏ), người dân còn phải nộp một lần thuế chuyển quyền sử dụng đất với thuế suất là 2% đối với đất nông nghiệp, 4% đối với đất ở, đất phi nông nghiệp, phí khi làm giấy tờ chuyển nhượng...
Theo bộ Tài nguyên và môi trường, gánh nặng về thuế, lệ phí trước bạ... cũng là một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ cấp sổ đỏ. Báo cáo của 51 địa phương về tình hình cấp sổ đỏ tính đến hết năm 2007 cho thấy ở Quảng Ninh, Tiền Giang, 100% sổ đỏ tồn đọng, cấp chậm do nguyên nhân về tiền sử dụng đất; Bà Rịa - Vũng Tàu chậm cấp sổ đỏ do nguyên nhân tài chính chiếm 52%.
Ở nhiều địa phương, thậm chí ngay tại Hà Nội, có tới 50 - 60% số hộ dân đã được ký sổ đỏ nhưng không đến lấy vì các khoản phải nộp thêm rất cao. Một quan chức bộ này nói: “Cứ tính diện tích đất ở trung bình của một hộ ở nông thôn, miền núi là 300m2, với giá đất ở từ 1 - 1,5 triệu đồng/m2 thì riêng tiền lệ phí trước bạ phải nộp đã từ 3 - 5 triệu đồng. Rất phi lý”.
Việc thu lệ phí trước bạ với tỷ lệ 5% đối với ô tô từ 7 chỗ trở xuống và xe máy tại các thành phố (tăng thêm 3% so với các địa bàn khác) tuy đã góp phần giảm bớt việc đăng ký xe tại các thành phố, nhưng thực tế người dân nhờ đứng tên, chuyển sang đăng ký tại các địa bàn có tỷ lệ thấp hơn nên việc sử dụng ô tô, xe máy tại các thành phố không giảm, đặc biệt là tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Tình hình ùn tắc giao thông ở các thành phố này ngày càng nghiêm trọng mà chính sách liên tục tăng thuế nhập khẩu do bộ Tài chính thực hiện gần đây cũng không giải quyết được.
Nhiều nơi không đồng tình với bộ Tài chính
Để khắc phục những bất hợp lý trên, bộ Tài chính đã đề nghị xây dựng một nghị định mới thay thế cho các nghị định hiện hành của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ. Theo đó, mức thu lệ phí trước bạ với nhà đất được đề nghị giảm từ 1% xuống còn 0,5%. Đối với ô tô, xe máy, đề nghị sửa đổi mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi là 10% và riêng Hà Nội và TP.HCM có thể thu tới 15% để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn giao thông. Đối với xe ô tô chở người từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe ô tô tải và xe máy vẫn giữ nguyên tỷ lệ thu lệ phí trước bạ như hiện hành.
Bộ Tư pháp cho rằng, dự thảo nghị định do bộ Tài chính chủ trì soạn quy định ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi nộp từ 10 - 15% là mức thu “quá cao” và làm “phức tạp hoá vấn đề thời điểm áp dụng, hiệu lực của văn bản”.
Một số cơ quan khác cũng lưu ý bộ Tài chính về quy định cho phép hồi tố đối với các trường hợp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp sổ đỏ, sổ hồng mà chưa nộp hoặc nộp chưa đủ lệ phí trước bạ cũng được giảm lệ phí trước bạ 50% so với hiện hành. Quy định nói trên có thể bị lợi dụng và không công bằng.
Theo ông Lê Quốc Dung, phó chủ nhiệm ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội, việc bộ Tài chính còn để khoản lệ phí trước bạ là rất vô lý vì trong chuyển nhượng đất đai đã có thuế và khi làm thủ tục về giấy tờ đất, dân cũng đã phải đóng phí.
Ông Dung nói: “Lệ phí trước bạ, cũng có lúc gọi là phí trước bạ, thực chất là cái khoản gì, nên phải giải thích ra. Theo tôi, trong các hoạt động giao dịch, chỉ xác định rõ có thuế và phí, không nên có một khoản nào khác hai cái đó. Không thể có hai thứ thuế hoặc hai thứ phí như thế được. Còn để lệ phí thế này, nó thành ra gánh nặng cho người dân”.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: