Top

Lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai

Cập nhật 04/03/2013 08:27

Cùng với dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được đưa ra lấy ý kiến nhân dân trước khi Quốc hội tiếp tục thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 5 tới. Có thể nói, đối với người dân Việt Nam, đất đai là một trong những tài sản gắn bó, quan trọng nhất và cũng là nguyên nhân của nhiều tranh chấp, mâu thuẫn nhất. Bởi vậy, việc lấy ý kiến nhân dân để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi) là vấn đề cấp thiết.

Nhiều sửa đổi quan trọng

Theo Nghị quyết số 563 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Quyết định số 239 của Thủ tướng Chính phủ, nội dung lấy ý kiến nhân dân là toàn bộ dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Đối tượng lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bao gồm: HĐND, UBND các cấp; các tổ chức xã hội chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức xã hội khác; các DN; các viện nghiên cứu, học viện, trường đại học; các tầng lớp nhân dân.Thời gian lấy ý kiến nhân dân bắt đầu từ ngày 1/2/ 2013 đến hết ngày 31/3/2013.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đất đai là vấn đề gắn bó với mọi người dân Việt Nam

- Đất đai là vấn đề rất quan trọng, gắn bó với mọi người dân Việt Nam. Trong 10 năm qua với việc thực hiện Luật Đất đai sửa đổi năm 2003 chúng ta đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần khai thác, phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định xã hội, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, do nguồn gốc đất đai rất đa dạng, chính sách đất đai thay đổi qua nhiều thời kỳ, chủ trương, chính sách pháp luật hiện hành về đất đai còn một số nội dung chưa đủ rõ, chưa phù hợp, việc thể chế hóa còn chậm chưa thật đồng bộ, quá trình tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về đất đai và các chính sách pháp luật có liên quan chưa nghiêm, lợi ích của nhà nước, của người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm.

Nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực quan trọng để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội. Việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn, thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai còn diễn biến phức tạp. Vì vậy việc nghiên cứu xây dựng luật, dự án Luật Đất đai sửa đổi lần này có ý nghĩa quan trọng được nhân dân quan tâm theo dõi…/.

Nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đưa ra lấy ý kiến nhân dân gồm 14 chương và 206 điều. So với Luật Đất đai năm 2003, Dự thảo Luật lần này tăng 7 chương và 60 điều (Luật Đất đai năm 2003 có 7 chương và 146 điều). Trong dự thảo Luật sửa đổi lần này có rất nhiều sửa đổi quan trọng, liên quan sát sườn tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân đối với đất đai.

Chẳng hạn, Luật Đất đai hiện hành quy định thời hạn giao đất cho người nông dân sử dụng khá ngắn và hạn mức người dân được nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp khá hạn hẹp.

Cụ thể, thời hạn giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 70 của Luật hiện hành là hai mươi năm; thời hạn giao đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 70 của Luật hiện hành là năm mươi năm” (khoản 1, Điều 67, Luật Đất đai hiện hành).

“Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá ba héc ta đối với mỗi loại đất; hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá mười héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá ba mươi héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi” (khoản 1, 2, Điều 70, Luật Đất đai 2003). Với quy định trên, người nông dân chưa có tâm lý ổn định đầu tư vào đất để nâng cao năng suất sử dụng đất. 

Để giải quyết vấn đề này, Dự thảo Luật đất đai sửa đổi đã đề ra một số chính sách như sau: Thứ nhất, thời hạn Nhà nước giao đất nông nghiệp cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng được nâng lên mức 50 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; thời hạn cho thuê đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá năm mươi (50) năm.

Hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp như sau:  Không quá ba (03) ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; Không quá hai (02) ha cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá mười (10) héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá ba mươi (30) héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Hạn mức giao đất cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá ba mươi (30) héc ta đối với mỗi loại đất: Đất rừng phòng hộ; Đất rừng sản xuất....

Về chính sách giải quyết các bất cập về giá đất hiện nay, theo Luật Đất đai 2003, giá đất được Nhà nước ban hành theo khung giá đất và bảng giá đất nhưng “sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường”. Tuy nhiên, khi triển khai quy định này đã gặp rất nhiều điểm bất cập. Vì thế, hiện nay đang tồn tại song song hai hệ thống giá đất (giá đất nhà nước ban hành và giá đất trên thị trường) trong đó, giá đất nhà nước ban hành thường chỉ bằng 30-70% so với giá đất của thị trường. Điều này dẫn tới nhiều bất cập, đặc biệt là khi Nhà nước bồi thường thu hồi đất.

Để khắc phục các bất cập nêu trên, Dự thảo Luật sửa đổi đưa ra nguyên tắc Nhà nước quyết định giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường có định hướng của Nhà nước theo hướng khi giá đất cao Nhà nước có thể giảm thuế hoặc các biện pháp điều tiết khác.

Hạn chế việc thu hồi đất tràn lan

Về vấn đề thu hồi đất, Dự thảo quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để giao đất, cho thuê đất theo 2 hình thức. Thứ nhất, thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất và thứ hai là thu hồi đất để giao, cho thuê đất theo hình thức chỉ định chủ đầu tư. Dự luật bổ sung quy định tổ chức họp để lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư do các tổ chức chuyên nghiệp đảm nhận, nhà đầu tư không tham gia vào công việc này (tự thực hiện như trước đây).
 

Nhiều dự án bất động sản chưa bán được

Phân tích về hai cơ chế thu hồi đất mà Dự thảo đề cập, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, Nhà nước thực hiện thu hồi đất theo quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất hàng năm để hạn chế việc thu hồi đất tràn lan nhưng hiệu quả sử dụng thấp như thời gian qua. Với kế hoạch sử dụng đất hàng năm, đặc biệt là việc sử dụng đất dành cho các dự án phát triển kinh tế phải được HĐND xem xét, thông qua (có sự giám sát) mới được thu hồi. Đối với cơ chế chỉ định nhà đầu tư thực hiện việc thu hồi đất cũng khác trước, sẽ không phải cứ có dự án là nhà đầu tư vào được mà giờ nhà đầu tư phải có các điều kiện về năng lực tài chính (qua kiểm toán), ký quỹ để đầu tư và các dự án trước do nhà đầu tư đó thực hiện phải đúng quy định của pháp luật. Với các quy định này, dự thảo Luật Đất đai sửa đổi nếu được thông qua  sẽ góp phần hạn chế tình trạng thu hồi đất tràn lan, trong khi việc đầu tư, sử  dụng không hiệu quả gây lãng phí cho người dân và xã hội.

Sau khi tập hợp đầy đủ ý kiến đóng góp về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), vào cuối tháng 4/2013, Chính phủ sẽ thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo luật này và trước ngày 10/5, Chính phủ sẽ gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả đóng góp của nhân dân về Dự thảo, kèm theo Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được chỉnh lý, hoàn thiện.

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật VN