Top

Lãng phí lớn nguồn lực đất đai

Cập nhật 01/09/2009 09:45

Sau một thời gian dài rà soát, đánh giá, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm kê tình hình quản lý, sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê trên toàn quốc. Số liệu mới nhất cho thấy, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, bỏ đất hoang hóa, lãng phí là rất nghiêm trọng.
 

 

Một khu đất bỏ hoang ở quận Cầu Giấy (Hà Nội)


Hơn 250.000ha đất... bỏ hoang!

Thống kê từ cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cả nước hiện đang có 144.485 tổ chức đang quản lý, sử dụng đất được Nhà nước giao, cho thuê. Trong đó, có tới 3.311 tổ chức sử dụng đất không đúng mục đích với diện tích 25.587,82ha. Không những thế, những cơ quan, doanh nghiệp này còn cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng trái phép...

Bộ TN-MT nhận định, thực trạng này “xảy ra ở hầu hết các loại hình tổ chức”. Trong số các loại đối tượng vi phạm, các tổ chức sử dụng đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp chiếm vị trí cao nhất với 1.527 đơn vị trên diện tích 21.499,68ha, chiếm 84,02%. Rà soát cho thấy có tới 1.828 tổ chức sử dụng làm nhà ở với diện tích 4.088,24ha.

Phần lớn diện tích đất này được dành... xây nhà cho cán bộ, công nhân viên! ấy là chưa kể tới hơn 1.200 đơn vị khác đang sử dụng đất cho thuê trái phép với diện tích 2.918,65ha, tập trung lớn nhất ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, sau đó tới vùng Đông Bắc, vùng Đông Nam bộ. Những trường hợp cho mượn, chuyển nhượng trái phép cũng lên tới con số hàng nghìn...

Theo Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT), diện tích đất chưa đưa vào sử dụng của các tổ chức được giao, thuê cũng lên tới trên 299.719ha. Trong đó, diện tích còn để hoang hóa xấp xỉ 250.862ha do 2.455 tổ chức quản lý. Diện tích đầu tư, xây dựng chậm (dự án “treo”) cũng lên tới 48.888ha, tập trung chủ yếu là các trường học và những dự án phát triển đô thị mới, dự án xây dựng khu công nghiệp... Số dự án “treo” tập trung chủ yếu tại Bắc Trung bộ, chiếm tới 56,1% tổng diện tích đất chưa sử dụng.

Sẽ xử lý nghiêm

Tại Hà Nội, trong vòng 6 năm (từ 1-1-2003 đến 31-12-2008), 3.401 dự án đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất nhưng cũng có tới 505 dự án trong số đó bị phát hiện “treo” dưới nhiều dạng... Có dự án bị ách tắc do chậm giải phóng mặt bằng. Có dự án không sử dụng đất trong 12 tháng liền kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa hoặc chậm 24 tháng so với tiến độ được duyệt. Cuối cùng là đất bị chuyển nhượng trái pháp luật, bị lấn chiếm, tranh chấp, sử dụng sai mục đích chủ đầu tư chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước...

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguyên nhân khiến các chủ đầu tư chậm triển khai dự án là do Nhà nước thay đổi, bổ sung chính sách làm phát sinh khó khăn, vướng mắc khi xử lý giai đoạn chuyển tiếp giữa các thời kỳ, nhất là các dự án quy mô lớn, thời gian thực hiện dài... khiến dân thắc mắc, khiếu kiện. Một số trường hợp khác, chủ đầu tư thiếu vốn, chưa nỗ lực, có tâm lý chờ thị trường bất động sản bớt “trầm lắng” mới triển khai.

Nhiều trường hợp chủ đầu tư là doanh nghiệp nhỏ, năng lực yếu nhưng lại được giao dự án quy mô lớn. Một số khác đủ điều kiện khởi công nhưng lại xin điều chỉnh cục bộ quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất... để nâng cao hiệu quả đầu tư - cũng khiến dự án “treo” thời gian dài.

Để hạn chế tình trạng sử dụng đất lãng phí, Bộ TN-MT cho rằng, cần xây dựng định mức sử dụng đất của tổ chức, đặc biệt là định mức sử dụng đất của các tổ chức được giao đất không thu tiền sử dụng đất. Bộ TN-MT cũng kiến nghị, cần có các quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan Nhà nước, tổ chức sự nghiệp công của Nhà nước nếu để xảy ra tình trạng đất đai bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, sử dụng không có hiệu quả hoặc lấn, chiếm đất.

Đối với diện tích đất đang cho mượn chuyển nhượng trái phép, các dự án đầu tư chậm tiến độ, các khu đất sử dụng không đúng mục đích, các vụ tranh chấp về ranh giới... Bộ TN-MT đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh tập trung xử lý theo những hướng cụ thể. Tương tự, các dự án đầu tư chậm tiến độ do khó khăn trong công tác bồi thường, GPMB, đề nghị UBND các tỉnh xem xét nguyên nhân và đề xuất việc gia hạn thời gian thực hiện hoặc chấm dứt thực hiện đối với từng dự án cụ thể. Riêng đối với các dự án do thiếu vốn hoặc triển khai chậm quá quy định của pháp luật đất đai, cần chấm dứt thực hiện dự án và lập thủ tục thu hồi đất, không gia hạn.

Đối với các khu đất sử dụng không đúng mục đích của các cơ quan Nhà nước, tổ chức sự nghiệp công, UBND các tỉnh thông báo cho các tổ chức biết để đưa những diện tích đất này vào sử dụng đúng mục đích. Trường hợp tổ chức không khắc phục sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan và thu hồi diện tích đất sử dụng không đúng mục đích.

Đối với các khu đất bị lấn, chiếm trái phép, đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm cho UBND các cấp nơi có các khu đất bị lấn, chiếm chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và các phương án GPMB, giao trả lại quỹ đất cho Nhà nước quản lý để lập kế hoạch khai thác, sử dụng vào mục đích khác mà không giao lại cho tổ chức có đất để bị lấn, chiếm.

 

DiaOcOnline.vn - Theo An Ninh Thủ Đô