Hàng loạt các câu hỏi: Bao giờ xóa hết quy hoạch "treo"? Có không chuyện "xin - cho" dự án?... được các đại biểu HĐND TP.HCM đặt ra tại buổi giám sát về tình hình quản lý nhà nước về sử dụng đất ở Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chiều 25.3. Nhưng câu trả lời thì vẫn còn bỏ ngỏ.
Cần công khai hiệu quả sử dụng đất
Báo cáo với đoàn giám sát, quyền Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt cho biết trong công tác lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 và kế hoạch sử dụng đất 2006 - 2010, đến nay mới có 18/24 quận, huyện và 71 phường, thị trấn trong tổng số 322 phường, xã, thị trấn hoàn tất hồ sơ, được Sở thẩm định. Sau khi Sở thẩm định, các địa phương này hoàn chỉnh lại hồ sơ trình UBND thành phố phê duyệt, nhưng đến nay chưa có đơn vị nào trình duyệt.
Ông Kiệt cho rằng tiến độ này là quá chậm và kiến nghị chỉ đạo UBND các quận, huyện phải khẩn trương hoàn tất trước tháng 6.2008. Tương tự, kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất trong 2 năm 2006-2007 cũng quá chậm. So với kế hoạch được Chính phủ duyệt, diện tích đất nông nghiệp chuyển qua phi nông nghiệp năm 2006 chỉ đạt 32,7% (1.634/5.000 ha), năm 2007 đạt 29,2% (1.345/4.600 ha).
Đại biểu Đặng Văn Khoa đặt vấn đề: "Quy hoạch, kế hoạch xây dựng cho 5 năm 2006 - 2010, đến nay đã hết quý I/2008 mà tất cả vẫn dang dở thì tốn tiền, công sức lập quy hoạch, kế hoạch còn có ý nghĩa gì. Việc lập quy hoạch, kế hoạch có thực chất hay chỉ là hình thức?". Cùng bức xúc về tiến độ quá chậm, Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Huỳnh Công Hùng yêu cầu phải làm rõ thêm thực chất thành phố đã tập trung cho công tác này hay chưa, vì "thực tế rất nhiều các nhà đầu tư vào nhưng ta thiếu đất, lúng túng trong việc xác định địa điểm đầu tư cho họ".
Đại biểu Phạm Minh Trí lại quan tâm nhiều đến hiệu quả sử dụng đất: "Thành phố sử dụng đất đã hiệu quả chưa? Tất cả các dự án đất đai thời gian qua có đảm bảo đúng định hướng của Nhà nước, hay chạy theo ý muốn của nhà đầu tư? Rất nhiều cử tri đặt câu hỏi này với chúng tôi và chờ câu trả lời một cách khách quan". Hỏi, nhưng rồi ông Trí gần như tự trả lời: "Kẹt xe thời gian gần đây có nguyên nhân từ việc giao đất đầu tư cao ốc dồn vào trung tâm. Trong khi chúng ta tìm biện pháp hạn chế xe cá nhân thì chính chúng ta lại dồn xe vào một chỗ! Phải xem lại hiệu quả quản lý nhà nước như thế nào?".
Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP.HCM Lê Hiếu Đằng cũng nói: "Khi quy hoạch có tính đến giao thông, dân số không? Vì sao lại giao một loạt "khu đất vàng" cho các nhà đầu tư xây nhà cao tầng? Có động cơ gì không khi rất nhiều người lên tiếng không đồng tình nhưng thành phố vẫn cứ giao và im lặng không giải thích?".
Làm rõ chuyện "xin - cho" dự án!
Liên quan đến các dự án nhà đất trên địa bàn, Sở TN-MT cho biết từ 1.1.2003 đến 31.12.2006, có 1.348 dự án được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất vào các mục đích nhà ở, sản xuất kinh doanh, công trình phúc lợi công cộng với tổng diện tích hơn 8.769 ha.
Năm 2007, qua kiểm tra, thành phố đã quyết định thu hồi 11 dự án chậm tiến độ với tổng diện tích 157,79ha, còn lại 211 dự án chậm tiến độ với hơn 2.012 ha chưa thu hồi. Nguyên nhân chậm thu hồi, ông Đào Anh Kiệt cho rằng luật quy định, Nhà nước thu hồi đất trong trường hợp khu đất không được sử dụng 12 tháng liền hoặc tiến độ đầu tư chậm hơn 24 tháng so với quyết định đầu tư, nhưng thực tế việc xác định chậm tiến độ để ra quyết định thu hồi là rất khó khăn do các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà đầu tư tự quyết định dự án. Ngoài ra, còn có khó khăn trong việc xác định bồi thường cho chủ đầu tư khi thu hồi dự án...
Lý giải của ông Kiệt lập tức nhận được phản ứng gay gắt của các đại biểu. "Dự án sai là phải thu hồi, không có chuyện khó về đền bù. Anh làm đúng thì tôi đâu có thu hồi, còn anh sai sao tôi lại phải bồi thường?" - đại biểu Phạm Minh Trí nói. Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Nguyễn Minh Hoàng đồng tình với ông Trí: "Dự án chậm triển khai là phải thu hồi. Lỗi của nhà đầu tư thì cơ quan quản lý nhà nước phải xử nghiêm. Còn chuyện bồi thường là xem xét những khoản anh đã đầu tư hợp lý thôi".
Đại biểu Đặng Văn Khoa không chỉ đồng tình với việc thu hồi ngay các dự án chậm triển khai, gây bức xúc trong dư luận, mà còn đề nghị công khai tiêu chí thu hồi dự án để dân giám sát. "Công khai để đảm bảo ta thu hồi khách quan vì dư luận lâu nay râm ran có chuyện "xin - cho" ở đây" - ông Khoa nói.
Cũng liên quan đến việc giao đất dự án, ông Lê Hiếu Đằng đặt vấn đề: "Khu đô thị mới Thủ Thiêm và khu Công nghệ cao có phải đơn thuần là công trình công cộng như chúng ta vẫn nói không? Tôi thấy ta vẫn giao cho nhà đầu tư nước ngoài triển khai, có tính toán lời lỗ. Vậy thì tính bồi thường cho dân như thế nào? Tôi có cảm giác trong tính toán ta vẫn đứng về phía nhà đầu tư hơn là về phía người dân".
Nghi vấn của ông Đằng được ông Trương Trọng Nghĩa, cùng là Phó ban Kinh tế - Ngân sách HĐND, khẳng định: "Trong 3 lợi ích: nhà đầu tư, người dân và xã hội, tôi thấy ta lệch về nhà đầu tư, trong khi có không ít nhà đầu tư đầu cơ chứ không đầu tư thực chất. Còn người dân được rất ít, Nhà nước cũng chẳng được bao nhiêu!".
Bao giờ xóa hết quy hoạch treo?
Hầu hết các câu hỏi, bức xúc các đại biểu đặt ra đều chưa được Sở TN-MT trả lời, do "vượt quá thẩm quyền" hoặc "xin nghiên cứu trả lời bằng văn bản sau". Liên quan đến tình trạng quy hoạch "treo", khi ông Kiệt cho rằng "đến nay khái niệm quy hoạch "treo" cũng chưa được thống nhất..." thì lập tức bị phản ứng. "Đến giờ vẫn chưa thống nhất khái niệm thì đúng là không ổn rồi! Đây là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến quyền lợi người dân, cần được xem xét một cách nghiêm túc" - ông Phạm Minh Trí bức xúc. Thế nhưng, trước câu hỏi "Bao giờ xóa hết quy hoạch treo" của ông Lê Hiếu Đằng thì ông Kiệt cũng không trả lời.
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: