Top

Lại chuyện lãng phí mặt bằng tại TP.HCM

Cập nhật 07/01/2010 08:20

Tính đến thời điểm này, TP.HCM đã thu hồi được trên 395.288 m2. Ảnh: S.T

Các khu đất do các doanh nghiệp nhà nước quản lý tại TP.HCM thường có tỷ lệ sử dụng đất chưa đến 50%. Các kế hoạch thu hồi cũng bắt đầu từ năm 2000, nhưng đến nay, hiệu quả vẫn còn rất hạn chế.

Ông Trần Nam Trang, Phó giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, năm 2009, TP thu hồi 49 địa chỉ nhà đất (với diện tích trên 116.000 m2) có hiệu quả sử dụng thấp.

Con số này là kết quả lớn nhất trong công tác trên kể từ năm 2000 và chiếm đến 36% trên tổng số địa chỉ đã thu hồi.

Như vậy, tính đến thời điểm này, TP đã thu hồi được 177 địa chỉ nhà đất, với diện tích trên 395.288 m2. Đa phần, những khu đất đã thu hồi sẽ được bố trí xây dựng các công trình công cộng (trường học, bệnh viện…). Ngoài ra, TP cũng đã tổ chức đấu giá và chuyển nhượng quyền sử dụng đất của 19 địa chỉ đất để tạo nguồn thu ngân sách.

Một thống kê khác được phản ánh trong chương trình “Nói và Làm” của Đài Truyền hình TP.HCM về vấn đề trên cho thấy, đến cuối năm 2008, TP có 410 khu đất do các doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng hoặc quản lý, với diện tích gần 6 triệu m2.

Trong đó, diện tích đất sử dụng đúng mục đích ở vào khoảng 2.503.000 m2, và diện tích cho thuê trái quy định là 24.534 m2. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Hồng, Trưởng phòng kinh tế đất, Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM, số mặt bằng, kho bãi lãng phí tính đến tháng 10/2009 là 220 ha.

Ở vai trò giám sát, ông Nguyễn Minh Hoàng, nguyên Trưởng ban Kinh tế Ngân sách HĐND TP cho rằng, Bình Tân, quận 8, Công ty Lương thực, Công ty Kho bãi là những “địa chỉ” lãng phí mặt bằng cao, với tỉ lệ sử dụng đất dưới 50%. Thậm chí, con số này tại Tổng công ty Lương thực miền Nam chưa đến 30%. Theo đó, đơn vị này đang sở hữu 307 mặt bằng, với diện tích trên 300.000 m2 nhưng diện tích sử dụng cho 195 kho bãi lại chưa tới 100.000m2.

Sự lãng phí đất đô thị là không nhỏ, nhưng quá trình thu hồi lại diễn ra quá chậm. Về vấn đề này, TS. Trần Du Lịch, (nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM) cho rằng, trước hết, đất công do các doanh nghiệp nhà nước quản lý thường có yếu tố lịch sử, hơn nữa, trong quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp đã tự chuyển đổi chức năng và hợp thức hóa các khu đất vào tài sản cố định của doanh nghiệp.

Mặt khác, Bộ Tài chính vẫn chưa có cơ chế rõ ràng cho việc thu hồi đất và tài sản trên đất. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã kéo dài thời hạn giao trả để hưởng chênh lệch giá khi cho thuê mặt bằng. Ngoài ra, việc nhiều dự án của các doanh nghiệp tư nhân “treo” hàng chục năm sau khi được cấp phép đã tạo sức cản lớn đối với việc thu hồi đất sử dụng kém hiệu quả tại các doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TP.HCM.


DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư