Top

10 Sự kiện Bất động sản tiêu biểu trong năm 2009 (phần II)

Cập nhật 07/01/2010 08:15

6. Tiềm năng lớn từ Bất động sản Du lịch

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực Bất động sản, Bất động sản Du lịch  đang trong tình trạng cung không đủ cầu. Vì vậy, đây là mảng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn đầu tư.
 

Bất động sản du lịch là mảng được nhiều doanh nghiệp lực chọn để đầu tư vì tiềm năng rất lớn. Ảnh: H. Thành.


Nhận thấy được điều này, các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã vào cuộc bằng nhiều nhiều dự án lớn với vốn từ vài trăm đến vài triệu USD. Theo dự báo, các dự án Bất động sản du lịch trong khoảng từ hai đến ba năm tới sẽ cung cấp khoảng 970 biệt thự và 565 căn hộ ở khu vực phía Bắc, khoảng hơn 1.000 biệt thự và 510 căn hộ ở khu vực miền Trung, và khoảng 5.100 biệt thự ở khu vực phía Nam…

Năm 2009 cũng là năm đánh dấu sự phát triển của Bất động sản du lịch khi Đại hội thành lập chi hội Bất động sản du lịch (VnTPA) đã tổ chức ngày 14 - 15.8, tại TP. HCM. VnTPA trực thuộc Hiệp hội Bất Động Sản Việt Nam, được thành lập nhằm tập hợp, đoàn kết các doanh nghiệp và các đơn vị, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực Bất động sản du lịch nhằm bảo vệ lợi ích chung và lợi ích chính đáng của các nhà kinh doanh…

Nhiều tiềm năng kết hợp thị trường Bất động sản du lịch thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nên đây là kênh đầu tư có khả năng bùng nổ lớn trong năm 2010.

7. Nhà đất được cấp chung một giấy chứng nhận
 

Từ ngày 1/8/2009, nhà, đất được thống nhất một mẫu giấy chứng nhận, một cơ quan quản lý, một hệ thống đăng ký biến động, lưu trữ...

Cuối năm 2009, Nghị định 88/2009/NĐ-CP về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận mới) chính thức có hiệu lực. Từ đây, nhà, đất được thống nhất một mẫu giấy chứng nhận, một cơ quan quản lý, một hệ thống đăng ký biến động, lưu trữ... Theo đó, người dân khi thực hiện những thủ tục hành chính về nhà, đất chỉ cần gõ “một cửa” là văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cho dù tài sản của họ là quyền sử dụng đất ở có nhà hay không có nhà, đất nông nghiệp hay đất trồng rừng...

Cũng theo Nghị định này, các loại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã cấp trước ngày 10-12 vẫn còn giá trị sử dụng, người dân khi có nhu cầu đổi giấy mới sẽ được cấp đổi miễn phí. Đối với giấy cũ, cơ quan đăng ký vẫn thực hiện xác nhận thay đổi trong những trường hợp cho phép xác nhận như trên giấy mới (trừ trường hợp đề nghị bổ sung thêm tài sản). Nghị định 88 cũng quy định, thời gian thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu trong vòng 50 ngày, cấp lại giấy chứng nhận bị mất trong vòng 30 ngày. Trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận mới và sang nhượng lại cho người khác, thời gian cấp giấy trong vòng 15 ngày.

8. Vàng bất ổn, bất động sản biến động.

Trong năm 2009, mức đỉnh cao lịch sử của giá vàng giao ngay đóng cửa tại thị trường New York là mức 1.215,8 USD/oz thiết lập vào ngày 2.12.2009. Mức giá này đã bỏ xa kỷ lục đóng cửa 1.002,8 USD/oz của năm 2008.

Giá vàng trong nước biến động liên tục. Quý I, chỉ số giá vàng dao động trong các mức giá 19 - 20 triệu đồng/lượng. Trong quý 2 và quý 3, chinh phục các mốc 21-22 triệu đồng/lượng. Đến quý 4, giá vàng tăng lên 27, 28 rồi 29,3 triệu đồng/lượng.

Khi “cơn lạnh” từ việc áp dụng Thuế thu nhập cá nhân và thông tin về Dự thảo Luật Nhà, đất chưa chấm dứt thì thị trường Bất động sản lại có những diễn biến trái chiều bởi cơn lốc tăng giá của vàng. Các giao dịch nhà phố, thị phần có sự thanh khoản cao nhất trên thị trường và cũng là thị trường duy nhất còn giao dịch bằng vàng đã chính thức “đóng băng” trở lại.

Trong khi đó, các khu đất, dự án cách xa trung tâm thành phố, thuộc các quận, huyện vùng ven lại trở thành mục tiêu tiềm năng được giới phát triển bất động sản, nhà đầu tư cùng khách hàng “ngấp nghé” bởi giá rẻ và quỹ đất còn nhiều, hầu hết đều thanh toán bằng tiền đồng và thanh toán theo tiến độ dự án.

Theo nhận định của một số chuyên gia, việc thị trường chứng khoán sa sút, cổ phiếu rớt giá liên tục, đầu tư vàng thì rủi ro luôn “rình rập” sẽ giúp sẽ giúp thị trường bất động sản từng bước ấm lên, giúp nhà đầu tư nhận biết được kênh nào là an toàn cho mình để tiếp tục “đổ tiền” vào. Chưa hết, đầu tư vào bất động sản thì tính thanh khoản cao và ngân hàng cho vay cũng thoáng hơn nhiều, thủ tục ngày càng đơn giản.

9. Chấn chỉnh việc sử dụng chung cư làm văn phòng.

Năm 2009 chứng kiến nhiều biến động của chung cư, văn phòng, giá thuê văn phòng… Trong đó, Công văn 2544/BXD-QLN của Bộ Xây dụng về việc thực hiện kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh kịp thời các trường hợp sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng làm việc đã gây xôn xao dư luận. Theo đó, các căn hộ chung cư sử dụng sai mục đích như chuyển đổi thành văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh là vi phạm quy định của pháp luật.
 

Công văn 2544/BXD-QLN của Bộ Xây dụng về việc thực hiện kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh kịp việc sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng đã gây xôn xao dư luận. Ảnh: DiaOcOnline.vn


Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, quyết định này của Bộ ít nhiều làm phân khúc văn phòng dao động. Chung cư, được coi là cứu tinh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ bởi giá thuê rẻ, chỉ bằng 50% giá văn phòng cho thuê đã mất dần ưu thế. Trong khi đó, nhiều địa điểm cho thuê làm văn phòng đã bắt đầu nâng giá ngay khi văn bản của Bộ Xây dựng gửi tới 6 thành phố nói trên.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Văn bản 2544 của Bộ Xây dựng về việc chấn chỉnh trong quản lý sử dụng nhà chung cư không nói là dừng ngay việc sử dụng nhà chung cư làm văn phòng. Các địa phương căn cứ vào tình hình thực thế xây dựng lộ trình chuyển đổi phù hợp để người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước thực hiện.

10. Bất đồng về nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất ở Phú Mỹ Hưng
 

Khu đô thị kiểu mẫu Phú Mỹ Hưng (PMH) đã gặp phải làn sóng tranh chấp xoay quanh vấn đề nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất giữa hơn 700 cư dân và chủ đầu tư.

Tranh chấp tại PMH xảy ra khi cư dân tại đây được thông báo phải đóng số tiền sử dụng đất khá lớn, từ vài trăm triệu đến cả tỉ đồng, để được cấp chủ quyền căn hộ của mình. Sau đối thoại giữa nhà đầu tư với khách hàng vẫn chưa ngã ngũ được trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất thuộc về bên nào.

Sau đó, UBND TP đưa ra hướng giải quyết là thu tiền sử dụng đất theo thời điểm ký hợp đồng mua nhà, thay vì tại thời điểm cấp giấy chủ quyền như hiện nay. Tuy nhiên, đại diện Công ty TNHH liên doanh PMH cho rằng cách này chưa giải quyết được căn cơ vấn đề, vì chỉ giúp một bộ phận khách hàng đã ký hợp đồng từ các năm trước. Vụ việc được UBND TP giao Sở Tài nguyên – Môi trường tiếp tục nghiên cứu, tuy nhiên Sở này xác định việc giải quyết đã vượt tầm TP nên chờ xin ý kiến Bộ Tài nguyên – Môi trường. Đây là tranh chấp gây ảnh hưởng trong lĩnh vực nhà đất 2009 và kéo theo nhiều vấn đề về quy định, chính sách nhà đất khác.

>> 10 sự kiện bất động sản tiêu biểu trong năm 2009 (Phần I)


DiaOcOnline.vn