Nằm ở vị trí trung tâm thành phố, cạnh các tuyến đường huyết mạch và từng là “điểm sáng” trên thị trường bất động sản… tuy nhiên nhiều dự án vẫn trong tình trạng bỏ hoang hàng chục năm nay.
Vicem đã có chủ trương chuyển nhượng dự án cho đối tượng khác
|
Dự án Vicem Tower
Vicem Tower được xây dựng trên trục đường vành đai 3 Phạm Hùng, cạnh tòa nhà Keangnam, thuộc lô đất 10E6 Khu đô thị mới Cầu Giấy (Hà Nội) với chức năng làm trụ sở làm việc, văn phòng cho thuê và kinh doanh thương mại. Dự án do Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) làm chủ đầu tư.
Dự án Trung tâm điều hành và giao dịch Vicem có thiết kế 1 tòa tháp với 31 tầng nổi và 4 tầng hầm. Diện tích đất được xây dựng là 8.476m2, diện tích sàn xây dựng khoảng 80.000m2. Đơn vị thiết kế dự án là KSP Juergen Engel Architekten; đơn vị giám sát là Bureau Veritas; nhà thầu chính là Phục Hưng Holdings.
Dự án được khởi công vào tháng 5/2011, dự kiến quý II/2014 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, trên thực tế dự án đã bị giãn tiến độ cho đến hiện nay.
Từ năm 2015, Vicem đã có chủ trương chuyển nhượng dự án cho đối tượng khác, nên chỉ thực hiện những gói thầu đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng thi công.
Ngày 20/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chỉ đạo việc chuyển nhượng dự án.
Nguyên nhân của việc chuyển nhượng, theo báo cáo của Vicem là do trong khi lập, phê duyệt dự án đã không đánh giá đúng giá cho thuê văn phòng thị trường Hà Nội (giá thuê lập 45-50 USD/tháng nhưng giá tham khảo cùng thời điểm chỉ 28 USD/tháng). Do đó, nếu dự án tiếp tục thực hiện sẽ không đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Ngoài ra, theo chủ trương của Chính phủ, doanh nghiệp nhà nước không được góp vốn hoặc đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, do đó Vicem càng không thể “đắm đuối” với dự án này.
Vicem Tower được đánh giá là một trong những công trình quy mô lớn, thúc đẩy phát triển đô thị. Nhưng nhiều năm nay, công trình đang khiến bộ mặt của đô thị ở đây trở nên nhếch nhác, lãng phí. Dù việc chuyển nhượng đã được định đoạt về chủ trương, song đến thời điểm hiện tại thị trường vẫn chưa ghi nhận đơn vị nào mua lại dự án này của Vicem.
Dự án Nam Đàn Plaza
Nằm bên cạnh tòa nhà Keangnam và dự án Vicem Tower trên trục đường Phạm Hùng là dự án Nam Đàn Plaza. Chủ đầu tư là công ty cổ phần địa ốc Dầu khí Viễn thông.
Dự án có thiết kế gồm 2 tòa nhà 39 và 44 tầng, trong đó có 6 tầng thương mại và 4 tầng hầm. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.500 tỷ đồng với gần 10.000 m2 đất xây dựng.
Nam Đàn Plaza chưa thấy có dấu hiệu khởi công trở lại
|
Năm 2008 dự án được khởi công, theo dự kiến sẽ hoàn thành và khai thác sử dụng vào năm 2010. Tuy nhiên, hiện nay nơi đây chỉ là những nhà kho, gara ô tô được dựng lên tạm bợ như một khu chợ.
Dự án Nam Đàn Plaza nằm biệt lập, bao quanh là những dự án đang nhộn nhịp với công trường xây dựng. Nếu như Vicem Tower đã hoàn thiện phần thô thì dự án này chưa thấy có dấu hiệu khởi công trở lại.
Theo như ban đầu thay vì xây văn phòng cho thuê như phê duyệt, dự án Nam Đàn Plaza sẽ xin chuyển đổi chức năng thành Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp và đổi tên dự án thành Pha Lê Xanh. Dự án gồm 2 tòa tháp cao 54 tầng với khoảng hơn 1.000 căn hộ.
Sau sự kiện “thay tên đổi họ” cho dự án người ta đã kỳ vọng với sự “lột xác” thực sự. Nhưng cho đến nay, dự án vẫn bất động trong khi quanh đó rất nhiều dự án lớn đang được thi công rầm rộ.
Dự án Apex Tower
Tương tự, đối diện Vicem Tower, tòa Apex Tower thậm chí còn được triển khai từ năm 2008, đang trong giai đoạn hoàn thiện cũng đang trong tình trạng bị “đắp chiếu”.
Apex Tower vẫn nằm bất động
|
Với tổng vốn đầu tư khoảng 15 triệu USD, dự án do CTCP Tòa nhà Cavico làm chủ đầu tư và được thiết kế bởi Tập đoàn RDC Worldwilde PTE Singapore.
Tòa nhà gồm 27 tầng nổi và 3 tầng hầm có diện tích 2.400 m2, trong đó, khối đế thương mại 6 tầng và 21 tầng văn phòng. Tổng diện tích sàn xây dựng 40.000 m2, trong đó diện tích cho thuê khoảng 26.000 m2.
Dự kiến, dự án được hoàn thành vào quý II/2012 nhưng đến nay vẫn nằm bất động.
Dự án Diamond Rice Flower
Một dự án khác cũng được kỳ vọng khá lớn ở khu vực này nhưng tới nay vẫn là bãi đất hoang, đó là Diamond Rice Flower (tên cũ là Lotus Hotel).
Dự án xây dựng trên khu đất vàng 4,2ha ngay góc Phạm Hùng - Đỗ Đức Dục, cạnh Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Khu đất này được UBND TP. Hà Nội giao cho Tập đoàn Kinh Bắc từ năm 2009 sau khi chủ đầu tư cũ là Tập đoàn Riviera (Nhật Bản) rút lui do khó khăn về tài chính.
Diamond Rice Flower đến nay vẫn là bãi đất hoang
|
Kế hoạch ban đầu của Kinh Bắc là xây dựng tổ hợp gồm một toà tháp 100 tầng (cao khoảng 400m), một tòa cao 80 tầng (cao 320m) và một tòa 15 tầng, với các hạng mục hỗn hợp gồm trung tâm thương mại, vườn treo và khách sạn 6 sao. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, Kinh Bắc sau đó đã xin điều chỉnh quy hoạch thành khu phức hợp, sàn thương mại nhà với 3 tòa, quy mô chiều cao giảm xuống khoảng một nửa.
Được biết, ông Đặng Thành Tâm từng chia sẻ không thể thưc hiện việc triển khai tháp 100 tầng do gặp không ít khó khăn về tài chính.
Dự án Habico Tower
Dự án được khởi công vào năm 2008 trên khu đất hơn 4.490m2 tại số 288 Phạm Văn Đồng, huyện Từ Liêm, với vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD và dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2011 do Công ty CP Hải Bình (HABICO) làm chủ đầu tư. Habico Tower được coi là một “siêu dự án” lúc bấy giờ.
Habico Tower thi công đến tầng 9 và nằm bất động đến nay
|
Theo thiết kế, Habico Tower có 2 tòa tháp với chiều cao 180m, với 4 tầng hầm và 36 tầng nổi. Dự án có chức năng là tòa nhà thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng và nhà ở cao cấp cho thuê.
Đặc biệt, dự án Habico Tower từng được chủ đầu tư rao bán với mức giá từ 4.000 USD/m2, điều này đã thực sự gây sốc cho thị trường bất động sản. Theo đó, căn hộ rẻ nhất của tòa tháp có giá 21 tỷ đồng và căn hộ đắt nhất lên tới 85 tỷ đồng. Đây là một trong số những dự án đình đám ăn theo tuyến đường huyến mạch vành đai 3.
Sau một thời gian thi công, dự án đã nhanh chóng dừng lại do gặp sự cố về chất lượng. Kể từ đó, công trình nằm “bất động”. Cho tới nay, Habico Tower vẫn bỏ hoang, công trường không có bất kỳ hoạt động thi công nào, cẩu thang, vận tháp cũng không còn.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: