Top

7 địa phương gây thất thoát gần 4.000 tỷ đồng tiền đất đai: Không có gì lạ!

Cập nhật 09/02/2018 10:01

Kiểm toán Nhà nước cho biết việc xác định giá đất theo các phương pháp tại một số địa phương lựa chọn thường thấp hơn giá thị trường dẫn đến thất thoát ngân sách Nhà nước.


Các dự án được thực hiện không thông qua đấu thầu làm giảm tính cạnh tranh của doanh nghiệp

Cơ quan này cũng kiến nghị các địa phương xem xét xử lý hoặc xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm mà Kiểm toán Nhà nước tạm xác định là 4.337 tỷ đồng.

Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất dự án khu đô thị giai đoạn 2013 - 2016 tại 7 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Lào Cai, TP.HCM, thị xã Cam Ranh tỉnh Khánh Hoà, TP. Sầm Sơn tỉnh Thanh Hóa và chọn mẫu đối chiếu tại 30 địa phương.

Qua thanh tra phát hiện một số địa phương không thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà ban hành văn bản công nhận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định, vi phạm Luật đấu thầu và các quy định hiện hành. Bên cạnh đó một số địa phương còn cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với một số dự án không đúng đối tượng theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng.

Giao đất thực hiện dự án chủ yếu theo hình thức chỉ định nhà đầu tư, không thông qua đấu giá tiền sử dụng đất nên không xác định được giá thị trường; giá đất xác định theo các phương pháp do các địa phương lựa chọn thường thấp hơn giá trị trường dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Thông tư 36/2014/TT-BTNMT về hướng dẫn xác định giá đất thì có 5 phương pháp xác định giá đất. Trên thực tế, mỗi địa phương áp dụng một phương pháp xác định giá đất khác nhau, hoăc khi áp dụng cùng một phương pháp nhưng hiểu khác nhau dẫn đến xác định số tiền sử dụng đất phải nộp ngân sách là khác nhau.

Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 8.323 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN của các dự án được kiểm toán là 3.978 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý hoặc xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm mà Kiểm toán Nhà nước tạm xác định là 4.337 tỷ đồng.

Là người theo sát diễn biến thị trường đất đai, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng điều này không có gì bất ngờ. Theo ông Võ, giá trị đất được tính không sát thị trường, thấp hơn nhiều so với khi bàn giao... là một phần từ những bất cập của cơ chế đầu tư BT.

Hầu hết các dự án đầu tư đổi đất lấy hạ tầng được giao đất trước khi hoàn thành công trình, giá đất lúc ấy thấp hơn nhiều so với đơn giá đất tại thời điểm bàn giao công trình, dẫn đến việc thanh toán không đảm bảo nguyên tắc ngang giá, làm lợi cho nhà đầu tư, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước. Sau khi xây dựng các công trình hạ tầng thì những khu đất vốn bị định giá thấp trở thành “đất vàng”, từ giá đất nông nghiệp được tính thành đất đô thị, giá trị đất đai tăng lên hàng chục, trăm lần, nhà đầu tư được hưởng lợi rất lớn.

Ông Võ cũng cho biết, một điểm bất cập nữa là hầu hết các dự án tại các địa phương đều chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh trong lựa chọn nhà đầu tư và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

“Các dự án được thực hiện không thông qua đấu thầu đã làm giảm tính cạnh tranh, thiếu minh bạch. Hơn nữa quyền sử dụng đất lại không được xác định chính xác và đầy đủ. Như vậy, Nhà nước cũng như nền kinh tế phải gánh chịu thiệt hại kép” – ông Võ khẳng định.

Từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Chính phủ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định 45/2014/NĐ-CP quy định về thu tiền sử dụng đất; giải quyết các vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, thuế Giá trị gia tăng chuyển nhượng bất động sản, quy hoạch, đất ở không hình thành đơn vị ở qua kết quả kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu để hướng dẫn áp dụng một phương pháp xác định giá đất tối ưu nhằm tránh mỗi địa phương, đơn vị áp dụng tùy tiện các phương pháp khác nhau gây thất thu ngân sách.


DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN