Top

Kinh doanh kết nối môi giới nhà đất lập câu lạc bộ

Cập nhật 09/05/2009 07:55

Nhiều doanh nghiệp cùng nhà môi giới tham gia câu lạc bộ bất động sản với mục đích mở rộng nguồn hàng và khả năng kinh doanh.

Có khách tìm mua 3 lô đất 100 m2 tại Dương Nội với yêu cầu mặt đường 27m vào tên hợp đồng chính chủ, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, thành viên ban sáng lập câu lạc bộ bất động sản Hà Nội, (Hanoi Land Club), gửi thông tin vào hòm thư chung. Hai ngày sau, chị nhận được nhiều thông tin phản hồi. Chị cho hay, gia nhập câu lạc bộ bất động sản, nguồn hàng phong phú và giao dịch tiến hành nhanh hơn. Nếu mặt hàng đáp ứng đủ yêu cầu, đặt cọc là xong giao dịch.

Trong vòng một năm trở lại đây, thị trường Hà Nội có nhiều câu lạc bộ bất động sản đồng loạt ra đời. Chỉ trong vòng 2 tháng từ tháng 6 đến tháng 8/2008, Hà Nội đã có bốn câu lạc bộ. Khai màn là câu lạc bộ của trường kinh tế quốc dân thành lập vào tháng 6/2008. Một tháng sau, câu lạc bộ đầu tư bất động sản chuyên nghiệp Hà Nội (HIPC) cũng ra đời. Trong tháng 8, câu lạc bộ bất động sản Hà Nội (Hanoi Land Club) và câu lạc bộ Bất động sản Việt Nam (thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) cùng xuất hiện.

Các câu lạc bộ này hoạt động thông qua thư điện tử, diễn đàn và gặp gỡ trực tiếp. Mỗi khi có nguồn hàng, khách hàng và các khúc mắc về vấn đề liên quan đến đất đai, các thành viên trong câu lạc bộ có thể gửi thông tin vào hộp thư chung hoặc đăng tải trên trang web riêng. Ngoài ra, các câu lạc bộ này còn tổ chức hội thảo chuyên đề trao đổi thông tin, phát hành tạp chí bất động sản hàng tháng giới thiệu mặt hàng cần giao dịch và gửi miễn phí cho những đối tác tiềm năng... Chi phí hàng tháng do thành viên tự đóng góp.

Thị trường trầm lắng, cũng là lúc các câu lạc bộ nhộn nhịp hơn. Song việc kết nối giữa các thành viên không phải lúc nào cũng thuận lợi. Anh Đặng Hữu Dũng, công ty cổ phần Bất động sản Donald, cho biết, phải qua gần một năm trời tham gia câu lạc bộ, anh mới "góp nhặt" được 10 người để thành lập nhóm chuyên săn lùng những khu đất có diện tích từ 40- 50 m2 xây dựng chung cư mini. Nhóm phân chia mỗi người một việc, ngoài trưởng nhóm, thư ký, người nắm giữ tài chính, 7 người còn lại sẽ như chân rết, tỏa đi các nơi nghe ngóng, tìm kiếm thông tin. "Nhờ sự hợp tác này, mỗi năm chỉ cần khoảng 3, 4 dự án thành công. Mỗi người chỉ cần góp vài trăm triệu là chúng tôi có đủ vốn để tiến hành", anh Dũng nói.

Việc khó nhất là tạo được niềm tin cho các thành viên trong câu lạc bộ. Trước đây, doanh nghiệp địa ốc chỉ "thân" với phòng công chứng và địa chính để dễ làm việc. Những người cùng làm trong lĩnh vực môi giới thường "thủ thế", chia sẻ thông tin ở giới hạn nhất định. Hàng hóa bất động sản chỉ dừng ở mức giới thiệu về diện tích, hướng, vị trí... Thông tin mang tính chất xác định chủ sở hữu thường được giữ bí mật đến phút cuối cùng. "Thị trường kém sôi động, kinh doanh bất động sản khó đứng vững nếu ít mối quan hệ. Tuy nhiên, làm sao để mọi người tin tưởng chia sẻ nguồn tin không phải là điều đơn giản", ông Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Hanoi Land Club nói.

Không giống như hoạt động của công ty, các câu lạc bộ bất động sản lập nên mang tính chất phi lợi nhuận với nguồn kinh phí là các thành viên tự đóng góp. Điều khó nhất để duy trì một câu lạc bộ hiệu quả là cần tài chính vững và lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược. Ông Nguyễn Trường Giang, Chủ tịch câu lạc bộ HIPC cho hay, câu lạc bộ bất động sản là mô hình không trực tiếp sản sinh ra lợi nhuận như các doanh nghiệp. “Thành lập câu lạc bộ bất động sản khó, duy trì còn khó hơn. Bởi nếu không thấy hiệu quả, các thành viên sẽ ra đi”, ông Giang nói.

Tham gia câu lạc bộ giúp các thành viên mở rộng mối quan hệ và tạo thương hiệu của mỗi doanh nghiệp. Anh Quang Hưng, (Hà Nội) cho biết, đến câu lạc bộ, các hiệp hội bất động sản mở rộng mối quan hệ nhanh hơn nhiều lần so với việc tự mình đi khảo sát thị trường kết nối với các văn phòng môi giới. Nhờ “lang thang” nhiều câu lạc bộ, hiệp hội, diễn đàn, từ một “cò” đất nghiệp dư, anh đã trở thành chuyên viên dự án có thể phân tích định hướng kinh doanh và được mời làm phó Tổng Giám đốc của một công ty bất động sản có tiếng. “Vài ba câu chuyện trao đổi với mọi thành viên tưởng là vô nghĩa nhưng lại giúp ích cho tôi rất nhiều. Tôi học hỏi từ họ cách tư duy, phân tích lập luận vấn đề rõ hơn”, anh Hưng nói.

Tuy nhiên, qua gần một năm thành lập, các câu lạc bộ bất động sản vẫn chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn. Trên thực tế, các doanh nghiệp có tiếng "chuộng" tham gia vào các hiệp hội bất động sản hơn. Nhiều doanh nghiệp này cho rằng, câu lạc bộ hoạt động mang tính chất tự phát, chưa có thương hiệu và cơ quan chủ quản đứng đầu.

Hiện nay, thế giới đã có hệ thống liệt kê đa phương tiện để cung cấp thông tin cho những người mua bán bất động sản nhằm minh bạch hóa thị trường. Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam cho hay, bản chất của bất động sản Việt Nam là một thị trường không hoàn hảo, người môi giới nằm nhiều thông tin nhất. Khi các môi giới liên kết lại với nhau, họ sẽ tạo ra một mạng lưới thông tin dày đặc. “Vấn đề khó nhất là phải đảm bảo khách quan khi cung cấp thông tin. Người môi giới phải đảm khách quan, không cấu kết với bên nào để đảm bảo thị trường minh bạch”, ông Liêm nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo VnExpress