Top

Kinh doanh đền bù, giải tỏa không giống "đòi nợ thuê"

Cập nhật 17/03/2008 14:00

Theo GS.TSKH Đặng Hùng Võ, dịch vụ trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có tác dụng làm "mềm" đi những xung đột quyền lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện để những xung đột đó không còn, kể cả việc cung cấp kinh phí kịp thời để công tác GPMB thực hiện đúng tiến độ.

Ông vừa có cuộc trao đổi với Báo giới xoay quanh việc thành lập Công ty cổ phần làm dịch vụ bồi thường, GPMB.

Đây là một đề nghị hợp lý

* Thưa ông, TP.HCM vừa đề nghị cho thành lập Công ty cổ phần làm dịch vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) thay cho nhà đầu tư hoặc Nhà nước. Theo ông, việc thành lập công ty dịch vụ này có cần thiết không, trong khi Nhà nước đã có Trung tâm phát triển quỹ đất cũng làm nhiệm vụ tương tự?

Vừa qua, TP.HCM có đề xuất việc cho thành lập Công ty cổ phần làm dịch vụ bồi thường, GPMB để giúp cho nhà đầu tư, cho Nhà nước để thực hiện tốt công việc này. Tôi cho rằng, đây là một đề nghị hợp lý, xuất phát từ nhu cầu giải quyết tốt hơn những vướng mắc trong thực tế thực hiện theo hướng xã hội hóa công việc bồi thường, GPMB. Một ý tưởng hoàn toàn tốt đẹp.

Theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thuộc trách nhiệm của Nhà nước. Theo đó, nhà đầu tư trong nước xuất trước kinh phí để thực hiện và được trừ toàn bộ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất mà nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước.

Nhà nước có thể thu hồi đất ngay sau khi có quy hoạch, khi đó việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện, đất đã GPMB được giao cho Tổ chức này quản lý. Nhà nước có thể thu hồi đất theo dự án đã được phê duyệt, khi đó việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư do Ban bồi thường, GPMB thực hiện, đất đã GPMB được giao ngay cho chủ đầu tư để triển khai dự án.

Như vậy, Công ty cổ phần làm dịch vụ bồi thường, GPMB không phải là đơn vị thay thế Tổ chức phát triển quỹ đất và cũng không thay thế Ban bồi thường, GPMB. Công ty này có thể thực hiện dịch vụ hỗ trợ cho cả Ban bồi thường, GPMB cùng nhà đầu tư và cả cho Tổ chức phát triển quỹ đất, tùy từng trường hợp, nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Công ty này không phải là đơn vị chịu trách nhiệm trước Nhà nước mà là chịu trách nhiệm trước người thuê dịch vụ. Hoạt động của Công ty dựa vào cơ chế thị trường, khi có nhu cầu thì cung cấp dịch vụ. Như vậy, không xuất hiện bất kỳ sự chồng chéo nào khi cho phép Công ty cổ phần làm dịch vụ bồi thường, GPMB hoạt động cung cấp dịch vụ.

* Được biết, các Trung tâm phát triển quỹ đất tổ chức rất tốt nhưng cơ chế vốn chưa có nên không hoạt động được. Nếu các Trung tâm này được cấp vốn hay cho vay vốn thì có cần phải thành lập thêm các Công ty làm dịch vụ bồi thường, GPMB nữa không?

Đúng là hiện nay UBND cấp tỉnh đều đã thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất nhưng hoạt động của Tổ chức này chưa đạt hiệu quả cao, phần vì Tổ chức này chưa đủ mạnh về tài chính cũng như nhân lực, phần vì các địa phương chưa "mặn mà" với cơ chế thu hồi đất ngay sau khi có quy hoạch.

Theo quy định của pháp luật, Tổ chức phát triển quỹ đất được vay vốn của ngân hàng để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất ngay sau khi có quy hoạch, một phần tiền thu được sau khi bàn giao đất cho nhà đầu tư sẽ trả lại ngân hàng.

Quy định là vậy nhưng cơ chế vay vốn tín dụng trong trường hợp này vẫn chưa được cụ thể hóa, hầu hết các Tổ chức phát triển quỹ đất chưa vay được vốn từ ngân hàng nên thiếu năng lực tài chính để vận hành. Mặt khác, cơ chế thu hồi đất ngay sau khi có quy hoạch chưa được áp dụng là mấy nên địa bàn hoạt động của Tổ chức này rất "eo hẹp", ít việc làm. Đã ít việc thì không thu hút được nhân lực mạnh.

Nói vậy để thấy rằng trong thời gian tới cần đẩy mạnh cơ chế Nhà nước thu hồi đất ngay sau khi có quy hoạch và tạo cơ chế tài chính phù hợp để Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện tốt chức năng được giao, đưa thị trường sơ cấp về quyền sử dụng đất giữa Nhà nước và nhà đầu tư gần hơn với thị trường.

Khi Tổ chức phát triển quỹ đất hoạt động còn yếu thì có thể cần thêm dịch vụ hỗ trợ của Công ty cổ phần làm dịch vụ bồi thường, GPMB; khi hoạt động đã đủ mạnh thì có lẽ ít cần tới các dịch vụ hỗ trợ.

Trước mắt, Công ty cổ phần làm dịch vụ bồi thường, GPMB đang có nhiều việc để làm, cung cấp dịch vụ cho cả Ban bồi thường, GPMB cùng nhà đầu tư và cả cho Tổ chức phát triển quỹ đất.

Khi các địa phương tập trung chủ yếu vào cơ chế thu hồi đất ngay sau khi có quy hoạch và các Tổ chức phát triển quỹ đất hoạt động đủ mạnh thì dịch vụ của Công ty cổ phần đó sẽ gần như không cần thiết. Theo quy luật của thị trường, khi không còn cầu thì cung sẽ tự tìm đến cầu khác, tức là Công ty cổ phần này sẽ chuyển sang cung cấp dịch vụ trên địa bàn khác.

* Việc đền bù giải tỏa lâu nay cần cả một hệ thống hùng hậu gồm pháp luật, công an... mà còn chưa làm được thì tư nhân làm liệu có khả quan hơn không? Phải chăng Nhà nước không làm được nên cho tư nhân làm?

Ở đây chúng ta không nên lẫn giữa phần trách nhiệm thực hiện của cơ quan nhà nước và những dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp theo hợp đồng với cơ quan nhà nước. Chắc chắn, doanh nghiệp không làm thay nhiệm vụ của UBND, của công an, của tòa án... nhưng doanh nghiệp có thể thực hiện việc tính toán để đề xuất phương án bồi thường, hỗ trợ hợp lý, vận động giải thích cho dân, cung cấp trước kinh phí thực hiện, giúp người bị thu hồi đất sớm giải phóng mặt bằng, và thậm chí có thể tổ chức đào tạo nghề mới...

Trong công việc phức tạp và nhạy cảm này, có những việc cơ quan nhà nước phải làm và có những việc doanh nghiệp làm tốt hơn cơ quan nhà nước. Cách làm này hoàn toàn phù hợp với đường lối xã hội hóa khu vực dịch vụ công mà chúng ta đang thực hiện.



Giảm giá đất thực tế trên thị trường về mức phù hợp là tiền
 
đề để làm giảm áp lực của bài toán bồi thường, GPMB.


Không có gì giống với dịch vụ đòi nợ thuê!

* Nhiều ý kiến lo ngại hoạt động của một Công ty như thế này sẽ chẳng khác gì "đòi nợ thuê"?

Cách làm này không có gì giống với "dịch vụ đòi nợ thuê". Dịch vụ trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có tác dụng làm "mềm" đi những xung đột quyền lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện để những xung đột đó không còn, kể cả việc cung cấp kinh phí kịp thời theo đúng tiến độ. "Đòi nợ thuê" thường phải dùng biện pháp "cứng" để giải quyết xung đột quyền lợi mà người cho vay không thể thực hiện đối với người nợ. So sánh này rất khập khiễng.

* Đơn vị đề nghị thành lập Công ty làm dịch vụ bồi thường, GPMB cho rằng, lâu nay đền bù không đúng với giá thị trường, theo đó nếu người dân ''không chịu'' và đòi bồi thường cao hơn thì công ty sẽ đưa ra những hình thức hấp dẫn như đổi đất lấy hạ tầng hoặc sẽ đền bù theo giá thị trường. Ông thấy giải pháp trên có khả thi không, bởi nếu người dân ''đòi'' đền bù quá cao mà vẫn phải đáp ứng để được việc thì làm sao Công ty có lãi?

Ý kiến của đơn vị xin thành lập Công ty là hoàn toàn đúng. Bất cập chủ yếu trong công việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hiện nay là sự chấp nhận về giá đất từ cả 2 phía: người bị thu hồi đất và cơ quan quản lý.

Pháp luật hiện hành cũng đã đưa ra nhiều giải pháp tốt như bồi thường bằng đất dịch vụ, đất ở khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp, hoặc cho phép người bị thu hồi đất được thực hiện dự án đầu tư trên đất bị thu hồi theo quy hoạch nếu đủ điều kiện... Nhiều địa phương cũng đã đưa ra các giải pháp như góp vốn vào dự án bằng giá trị đất bị thu hồi, bồi thường bằng cổ phiếu của doanh nghiệp...

Vấn đề cốt lõi cần giải quyết ở đây là đề xuất được cách thức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hợp lý cho từng trường hợp sao cho giá trị đất đưa vào tính bồi thường được người dân chấp nhận. Tất nhiên, người bị thu hồi đất luôn có tâm lý muốn được bồi thường càng nhiều càng tốt nhưng cũng sẵn sàng chấp nhận nếu phương án tính toán là hợp lý.

Như vậy, Công ty cổ phần làm dịch vụ bồi thường, GPMB có thể cung cấp dịch vụ xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hợp lý và thuyết phục người dân về tính hợp lý để phương án được chấp nhận. Các cơ quan quản lý nhà nước nên tập trung vào các giải pháp làm giảm giá đất thực tế trên thị trường về mức phù hợp, đấy là tiền đề để làm giảm áp lực của bài toán bồi thường, GPMB.

* Theo ông, việc thành lập Công ty làm dịch vụ bồi thường, GPMB này liệu có phải sửa đổi chính sách pháp luật liên quan đến vấn đề này không?

Công ty cổ phần làm dịch vụ bồi thường, GPMB thực hiện thuần túy việc cung cấp dịch vụ nên không có gì trái với các quy định của pháp luật hiện hành về đất đai. Điều đó có nghĩa là không phải sửa đổi, bổ sung gì đối với pháp luật về đất đai khi cho phép Công ty cổ phần này hoạt động.

Vấn đề còn lại là hướng dẫn và kiểm tra việc hoạt động của Công ty, nhất là mối quan hệ giữa Công ty với các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện bồi thường, GPMB.

* Xin cảm ơn ý kiến trao đổi của ông!

Theo VTC News