Top

Kìm "cương" giá bất động sản: Tăng cung bằng cách nào?

Cập nhật 15/01/2008 08:00

Một trong những giải pháp được đề cập trong chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về hạ nhiệt giá bất động sản là tăng nguồn cung nhà đất.

Tuy nhiên theo ông Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường, nếu tăng cung mà không kèm theo giải pháp về thuế nhà đất thì tăng bao nhiêu cũng không đủ.

Mất 2 - 4 năm để hoàn tất thủ tục dự án

Theo tổng giám đốc một công ty kinh doanh địa ốc, qui định dự án hoàn tất phần móng mới được huy động vốn đã khiến nhiều dự án bị chựng lại. Nhưng "ám ảnh" đối với doanh nghiệp là thủ tục pháp lý liên quan đến dự án còn quá nhiêu khê, bên cạnh đền bù giải tỏa kéo dài, khiến việc triển khai dự án mất nhiều thời gian... Do vậy Nhà nước nên có chính sách giúp chủ đầu tư đền bù giải tỏa, để có thể triển khai dự án nhanh hơn. Nếu không tháo gỡ về đền bù, giải tỏa thì vẫn chưa thể tăng thêm hàng cho thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đực, phó giám đốc Công ty TNHH địa ốc Đất Lành, cho rằng chính thủ tục đang góp phần vào sự khan hiếm của thị trường. Trước đây, qua các "ải" thỏa thuận qui hoạch, thẩm định thiết kế cơ sở là doanh nghiệp được triển khai dự án. Gần đây nghị định 90 (hướng dẫn thi hành Luật nhà ở) lại yêu cầu: phải được UBND tỉnh hoặc TP phê duyệt dự án đầu tư mới làm, kể cả dự án của doanh nghiệp tư nhân. "Qui định này chỉ làm khó thêm cho chủ đầu tư và tăng thêm việc cho các cơ quan quản lý” - ông bức xúc. Hiện nay, để hoàn tất thủ tục một dự án mất từ 2-4 năm. Theo ông Đực, nên sửa đổi qui định theo hướng để doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm, hạn chế việc ôm đồm của cơ quan quản lý.

Cung, bao nhiêu mới đủ?

Theo ông Đặng Hùng Võ, để tăng thêm nguồn cung, các cơ quan chức năng cần tiến hành rà soát tất cả dự án được giao trong thời gian qua. Đối với dự án đang thực hiện thì đẩy nhanh tiến độ, dự án đã hoàn tất phải công bố cho khách hàng, tránh tình trạng xong dự án nhưng vẫn ghim hàng chờ giá tăng mới tung ra thị trường, tạo sự khan hiếm giả tạo.

Ông nhấn mạnh: phải có sự liên thông thị trường tài chính với thị trường địa ốc bằng cách làm rõ thêm hành lang pháp lý để các dự án hình thành trong tương lai có thể thế chấp, vay vốn đầu tư. Đồng thời chủ đầu tư trong nước có thể thế chấp dự án, vay vốn tại các ngân hàng nước ngoài với những điều kiện nhất định nhằm thông nguồn vốn cho các doanh nghiệp. Ông nói đây là vấn đề bức xúc của một số chủ đầu tư hiện nay.

Một chuyên gia địa ốc nhận định trước nay nhu cầu về nhà ở thật sự luôn khan hiếm nhưng chưa từng diễn ra "cơn sốt", bởi những người có nhu cầu lại không đủ khả năng mua. Trong khi đó phân khúc căn hộ cao cấp, biệt thự... thì liên tục diễn ra các "cơn sốt", do sự tham gia của nhiều nhà đầu tư có vốn mạnh.

Chuyên gia này đặt vấn đề: vậy bao nhiêu nguồn cung đủ đáp ứng cho nhà đầu tư? Ông Đặng Hùng Võ thì cho rằng cần có giải pháp đánh thuế nhà đất đi kèm để dần dần đưa thị trường về nhu cầu thật. Nếu không, cho dù có cung thêm bao nhiêu nguồn hàng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư.

Theo ông Đỗ Đức Đôi, vụ phó Vụ Đăng ký và thống kê đất đai (Bộ Tài nguyên - môi trường), vai trò điều chỉnh thị trường bất động sản của Nhà nước trong thời gian qua còn yếu kém. Khi nguồn cầu tăng, Nhà nước không tạo được nguồn cung tương ứng. Sự chênh lệch cung cầu lớn đã khiến giá nhà đất tăng.

Hà Nội: giá đất tăng, thuế phí chưa thấy giảm!

Giá đất tại Hà Nội trong năm 2008 tăng bình quân khoảng 20% trong khi các khoản thuế sử dụng đất, thuế chuyển quyền và phí trước bạ chưa thấy giảm xuống khiến người dân chưa được cấp sổ đỏ lo tối mặt.

Theo UBND TP, một trong những vướng mắc khi áp dụng giá đất mới năm 2007 là "ế" sổ đỏ tại nhiều quận, huyện với hơn 65.000 sổ do người dân không kham nổi phí trước bạ và thuế chuyển quyền sử dụng đất phải nộp cao hơn rất nhiều so với trước đây.

Sở Tài nguyên - môi trường và nhà đất Hà Nội cho biết so với năm 2005 - 2006, trong năm 2007 người dân phải nộp phí trước bạ cao hơn trước từ 8 -15 lần và tình trạng "ế" sổ đỏ chủ yếu tại các huyện ngoại thành.

Năm 2008 giá đất tại một số huyện ngoại thành tăng thêm trong khi các khoản thuế, phí phải đóng góp chưa được điều chỉnh giảm xuống sẽ khiến công tác cấp sổ đỏ đã khó càng thêm chậm.

Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Văn Trịnh cho biết nếu nhận sổ đỏ người dân sẽ phải nộp phí trước bạ (1%), số tiền này tương đối lớn nên rất ít hộ dân nộp để nhận sổ đỏ về.

Hiện TP đã có kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép người dân được ghi nợ cả lệ phí trước bạ và thuế chuyển quyền cho những hộ được cấp sổ đỏ lần đầu.



Theo Địa Ốc TTO