Top

Kiểm kê đất do các tổ chức đang quản lý, sử dụng: Việc khó, ai làm?

Cập nhật 03/05/2008 10:00

Theo Chỉ thị 31/2007/CT-TTg, từ ngày 1-4, các tỉnh, thành trên cả nước thực hiện kiểm kê diện tích đất đang quản lý, sử dụng của các tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất.

Vừa qua, Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất (TN-MT&NĐ) Hà Nội đã có phương án cụ thể để có thể hoàn thành công việc nặng nề này theo đúng tiến độ mà Bộ TN-MT đã đề ra. Tuy nhiên, chính quyền cấp phường, xã - cấp được coi là phải gánh một khối lượng công việc lớn nhất lại phải đối mặt với nhiều khó khăn không dễ vượt qua.

Khối lượng công việc lớn

Theo Bộ TN-MT, đối tượng kiểm kê lần này là đất do các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, chính trị-xã hội nghề nghiệp, sự nghiệp, kinh tế đang quản lý, sử dụng được Nhà nước giao hoặc cho thuê; đất an ninh, quốc phòng do Bộ Công an và Bộ Quốc phòng quản lý; đất rừng.

Phương án của Sở TN-MT&NĐ Hà Nội nêu rõ, UBND xã, phường, thị trấn có trách nhiệm hướng dẫn các đối tượng trên địa bàn kê khai đúng quy định. UBND xã, phường, thị trấn phải kiểm tra nội dung kê khai, đặc biệt, phải đối soát tại thực địa các chỉ tiêu theo hiện trạng sử dụng để phát hiện diện tích đất lấn chiếm; diện tích bị lấn chiếm; diện tích sử dụng sai mục đích; diện tích chuyển nhượng, cho thuê trái phép; diện tích đất chưa sử dụng.

Ông Vũ Văn Hậu - Giám đốc Sở TN-MT&NĐ Hà Nội cũng nhận định, trong đợt kiểm kê đất lần này, cấp phường xã phải gánh một khối lượng công việc rất nặng.

Đòi hỏi chất lượng cao và…


Theo số liệu kiểm kê đất đai năm 2005, trên địa bàn TP có 5.849 tổ chức, trong đó có 3.012 tổ chức kinh tế; 1.361 cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp; 165 tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp; 1.311 tổ chức khác. Theo số liệu năm 2005, 5.849 tổ chức quản lý, sử dụng 23.422,03 ha chiếm 25,4% diện tích đất tự nhiên của TP. Toàn TP hiện có khoảng 17.300 thửa đất.

Ông Trịnh Kiên Đĩnh - Phó Giám đốc Sở TN-MT&NĐ cho rằng những số liệu trên hoàn toàn có thể thay đổi. Ông nhấn mạnh mục tiêu lớn nhất của đợt kiểm kê này là số liệu phải chính xác nên con số tăng hoặc giảm không quan trọng. Với khối lượng công việc lớn, cùng thời gian hạn hẹp, để có được số liệu chính xác không phải là việc dễ. Hơn nữa, những thông tin quan trọng phục vụ cho các đợt kiểm kê định kỳ, thống kê hàng năm và các đợt kê khai chưa phản ánh chính xác, chi tiết về quy mô, diện tích và hiệu quả sử dụng đất của các tổ chức.

Một điều cần phải tính đến là khối lượng công việc lớn, đòi hỏi chất lượng cao như vậy nhưng lại phải thực hiện trong khoảng thời gian khá hạn hẹp. Theo phương án mà Sở TN-MT&NĐ đề ra, tất cả 232 phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thủ đô triển khai thực hiện kiểm kê, tổng hợp số liệu và báo cáo UBND quận, huyện thông qua phòng TN-MT xong trước ngày 31-8. Từ ngày 1-9 đến 30-9, quận, huyện tổng hợp số liệu đã được xã, phường, thị trấn kiểm kê và báo cáo UBND TP thông qua Sở TN-MT&NĐ. Sở TN-MT&NĐ tổng hợp số liệu và báo cáo UBND TP và Bộ TN-MT trước ngày 31-10.

Nhân lực vừa thiếu vừa yếu

Trong khi khối lượng công việc lớn, yêu cầu chất lượng cao, trong thời gian hạn hẹn thì nhân lực phục vụ đợt kiểm kê này vừa thiếu lại vừa yếu. Ông Nguyễn Tiến Khang-Phó Vụ trưởng Vụ Đăng ký Thống kê Đất đai (ĐKTKĐĐ), Bộ TN-MT cho rằng, trở ngại lớn nhất mà cấp phường, xã gặp phải là cán bộ bị luân chuyển, thay đổi nhiều lần. Hơn nữa, UBND xã, phường, thị trấn càng ngày càng phải làm nhiều việc hơn trước.

Đó là chưa kể tới trình độ chuyên môn về đất đai của cán bộ cấp này thường không cao và không đồng đều. Thực tế này khiến việc hoàn thành khối lượng công việc lớn có độ chính xác cao, đúng thời hạn, càng trở nên khó khăn hơn.

Có một thực tế là ở các TP lớn, nhiều khi UBND phường, xã thường ngại va chạm với những cơ quan TƯ, cơ quan cấp trên đóng tại địa bàn. Vì vậy, việc kiểm kê không đầy đủ hoặc cơ quan, tổ chức kê khai bao nhiêu thì xác nhận bấy nhiêu là điều dễ xảy ra. Đó là một trong những nguyên nhân có thể làm cho kết quả không được chính xác như yêu cầu.

Huy động thêm người liệu có đủ?

Để đợt kiểm kê đạt kết quả tốt, Sở TN-MT&NĐ đã đề ra một loạt những giải pháp. Trong đó, bên cạnh một số giải pháp về công nghệ như: thu thập tài liệu có liên quan; lập và cung cấp trích lục thửa đất; đối soát kiểm tra và xác nhận tờ kê khai; lập biểu…, giải pháp về nguồn nhân lực được coi là nhóm giải pháp quan trọng.

Để giải bài toán về nguồn nhân lực thiếu và yếu ở cấp xã, Sở TN-MT&NĐ đã có giải pháp huy động thêm người. Theo đó, hầu hết những nguồn nhân lực có thể huy động được sẽ tập trung cho phần việc kiểm kê đất ở cấp xã, phường. Những nguồn nhân lực chủ yếu là cán bộ địa chính phường, xã, thị trấn, cán bộ chuyên môn ngành địa chính, đo đạc đã nghỉ hưu, sinh viên ra trường chưa có việc làm và cả cán bộ UBND xã, phường, thị trấn có năng lực.

Sở còn huy động cả cán bộ văn phòng Đăng ký đất nhà, Phòng TN-MT quận, huyện và các phòng, ban quận, huyện có liên quan; cán bộ các phòng ban chuyên môn Sở TN-MT&NĐ. Ngoài ra, những đơn vị đo đạc có tư cách pháp nhân, Giấy phép hành nghề, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu của công tác đo đạc chỉnh lý các thửa đất biến động lập trích lục thửa đất cũng sẽ được huy động.

Ông Vũ Văn Hậu khẳng định, dù khối lượng công việc lớn nhưng Hà Nội sẽ phấn đấu hoàn thành công việc bảo đảm chất lượng và đúng thời gian mà Bộ TN-MT đề ra. Bởi vì kết quả kiểm kê chính xác sẽ giúp UBND TP đánh giá đúng thực trạng và đề xuất các biện pháp quản lý nhằm sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả đối với quỹ đất đã giao cho các tổ chức sử dụng.

Theo Hà Nội Mới