Top

Khu tái định cư tại Hà Nội: Bức tranh không sáng sủa

Cập nhật 17/12/2007 09:00

Bên cạnh chất lượng nhà không đảm bảo, hiện nay tại những khu nhà tái định cư còn bộc lộ nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng chung, cũng như trong công tác quản lý. Điều đó càng khiến cho bức tranh về cuộc sống ở những nơi này thêm sẫm màu.

Hạ tầng thiếu đồng bộ

Đối với một khu dân cư đúng nghĩa phải hội tụ đủ những điều kiện về điện, đường, trường, trạm mới đảm bảo phục vụ cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, tại các khu tái định cư hiện nay, điều kiện đó xem ra vẫn còn xa vời. Khi xây dựng, các chủ đầu tư không muốn tính đến các yếu tố xung quanh đời sống, sợ chi phí phát sinh, nên người dân chỉ được lo chỗ ở. Khu 7,2ha - P.Vĩnh Phúc đã hơn 5 năm nay chợ vẫn chưa được xây.

Hàng ngày, người dân nơi đây phải họp chợ tạm trên đường. Các khu khác như Dịch Vọng, Nam Trung Yên... dù đã đưa vào sử dụng mấy năm, nhưng hạ tầng rất sơ sài. Bác Trần Sơn - P807 (N2B) Trung Hoà, Nhân Chính - cho biết: "Khu này trạm không, chợ không, trường học xa, có đèn chiếu sáng mà đêm không thấy đường sáng bao giờ, trên đường đi, phế thải đổ trộm cứ ngồn ngộn, vườn hoa nuôi cỏ dại".

Tại các toà nhà có đến hơn trăm hộ gia đình sinh sống, nhưng một phòng hội họp sinh hoạt cũng không có. Thang máy chuyên dùng cũng không. Qua tìm hiểu thấy người dân bất bình, bởi nơi họ chuyển đến ở không như những gì các cơ quan chức năng đã cam kết. Sự thiếu hụt đó làm cuộc sống của những khu tái định cư chẳng khác nào tạm bợ.

Việc quản lý thiếu trách nhiệm

Theo quy định của Luật Nhà ở, nhà chung cư từ 6 tầng trở lên phải có ban quản trị (BQT) và BQT phải được thành lập chậm nhất là sau 6 tháng kể từ khi nhà được bàn giao. BQT là đại diện, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu trong quá trình sử dụng nhà chung cư.
 
Thế nhưng hiện nay, tại các khu nhà tái định cư hầu hết đều không có BQT, cho dù những toà nhà này đã bàn giao cho người dân từ hai năm nay. Việc quản lý và điều hành nhà đều do chủ đầu tư đưa đến, người dân không được biết. Do sự bất cập này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề không tốt, ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Tại toà nhà 17T10 và 17T11 Vinaconex Trần Duy Hưng tầng 1 do đơn vị quản lý khai thác, những gian nhà này đều được cho thuê để thu lợi, chứ không được dùng làm dịch vụ phục vụ cuộc sống của người dân nơi đây; còn việc trông nom, quản lý nhà xem ra rất lỏng lẻo. Tại những hành lang cầu thang bộ nhà 17T10, tường bị vẽ bậy chi chít. Ngoài tường nhà những hộp máy điều hoà treo lộn xộn, mỗi nhà một kiểu.



Hành lang cầu thang bộ nhà 17T10, tường
bị vẽ bậy chi chít.

Nguy hại hơn, nhiều hộ gia đình còn tự hàn bịt khoảng trống ban công nhà mình, để phòng việc cứu hoả, đây là điều cấm kỵ. Hệ thống thoát hiểm chẳng được chú trọng: Cái bị bịt, cái làm lối đi riêng cho cửa hàng tầng 1, cái khoá.

Ông Trần Ngọc Sơn - tổ trưởng nhà 17T10 - nói: "Dân chúng tôi chỉ thấy bảo vệ họ làm mỗi việc trông xe, ngoài ra chẳng thấy làm gì". Cách đây không lâu, trên sân thượng do vắng người đã bị biến thành ổ tiêm chích. Người dân tá hoả khi phát hiện ra, vội bỏ tiền mua cửa khoá lại.

Tại nhiều khu nhà tái định cư khác, người dân cũng than phiền về việc quản lý nhà. Tài sản chung tại toà nhà như bình và vòi cứu hoả, hộp rác, bóng đèn hành lang mất hay còn, bảo vệ chẳng hề bận tâm. Bóng đèn công cộng hỏng đâu, dân phải tự thay. Việc vệ sinh trong các toà nhà trên khiến người dân cũng phải ta thán, trong khi hàng tháng tiền dịch vụ dân vẫn phải đóng.

Khi người dân kêu ca quá về cung cách làm việc phục vụ của nhân viên và yêu cầu thay nhân viên phục vụ mới tại các toà nhà, thì Cty cung cấp dịch vụ thường áp dụng khâu luân chuyển người từ chỗ này sang chỗ khác. Rốt cuộc vẫn là "bình mới rượu cũ", mọi việc không hề có sự thay đổi. Và hơn ai hết, người dân vẫn là người phải thiệt thòi.

Theo Lao Động