Dự án quy hoạch "Thành phố sông Hồng" trị giá nhiều tỷ USD của Hà Nội đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ, mà nguyên nhân chính là sức ỳ của các cơ quan chức năng.
Theo Quy hoạch Tổng thể Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt, sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội được coi như một chủ thể chính của không gian TP. Khi đó, Hà Nội sẽ có hai bờ sông với các công trình hạ tầng cơ sở xanh, sạch và hiện đại hướng ra sông. Thực tế hiện hầu hết nhà cửa, công trình đều “quay lưng” ra sông.
Theo ông Lee In Geun, Chủ tịch Dự án Phát triển sông Hồng, trong quá trình xây dựng quy hoạch, Tổ dự án sông Hồng đã nhận được sự đồng thuận của các cơ quan chức năng tại các buổi thảo luận. Thế nhưng, những ý kiến này không được coi là chính thống. Khó khăn chính là việc quyết định những phương án trong việc chỉnh trị dòng chảy của sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội và sử dụng phần đất có được do sự điều chỉnh hệ thống đê hiện nay.
Những phương án được các chuyên gia đến từ Hàn Quốc coi là tối ưu và hoàn toàn có tính khả thi lại vướng phải những quy định về hành lang bảo vệ đê điều theo Luật Đê điều.
Ông Lê Quý Đôn, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, đã cố gắng đẩy nhanh tiến độ dự án, nhưng chỉ riêng những nỗ lực của Hà Nội là không đủ để thực hiện dự án khổng lồ này.
Theo ông Đôn, trong quá trình thực hiện Pháp lệnh Đê điều và Nghị định về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Đê điều đã nảy sinh nhiều vướng mắc. Pháp lệnh Đê điều cấm xây dựng công trình, nhà cửa trong phạm vi bảo vệ đê ở bãi sông, lòng sông, khiến nhiều dự án đã triển khai xây dựng từ trước như Dự án Xây dựng trường học, nhà văn hoá trong khu Đầm Trấu, khu Phúc Xá II, Dự án Xây dựng nhà ở và văn phòng của công ty TNHH IDC... đều phải dừng lại.
(Theo Đầu tư)
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: