Trao đổi với phóng viên ngày 31.1, ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho rằng, đề xuất của Hà Nội đẩy nhanh việc di dời là cần thiết, nhưng vấn đề khó giải quyết nhất vẫn là quy hoạch, bao gồm quy hoạch vị trí mới của các bộ và quy hoạch “đất vàng” nội đô.
Ông Chính cho biết:
- Việc di dời trụ sở các bộ, ngành trung ương là một chủ trương lớn của Chính phủ, đã có từ lâu, nhằm hướng tới tập trung thành một khu trung tâm chính trị - hành chính, giảm áp lực giao thông, cải thiện chỉnh trang đô thị, nâng cao vị trí quyền lực của các cơ quan công quyền. Đây là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, theo tôi, việc giao chủ trương lớn này cho Hà Nội hay bộ chủ quản thực hiện không phải là vấn đề quan trọng. Điều quan trọng nhất ở đây là ai làm thì cũng phải theo quy hoạch.
* Phải chăng “bài toán quy hoạch” luôn hóc búa, thưa ông?
- Sau khi Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch chung Hà Nội thì trách nhiệm của Hà Nội là phải nhanh chóng xây dựng quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết vị trí của từng bộ, ngành phải di dời, chứ không phải các bộ, ngành thích “ở” đâu thì “ở” và Bộ Xây dựng phải có chức năng giám sát việc thực hiện này.
Nhưng điều cần đặc biệt lưu ý là quy hoạch phải phù hợp với quy mô và tính chất của từng cơ quan di dời, không thể cơ quan có quan hệ công chúng nhỏ, tầm ảnh hưởng xã hội nhỏ lại có vị trí, diện tích lớn hơn những cơ quan có tầm ảnh hưởng lớn. Thêm vào đó, một vấn đề đang được dư luận quan tâm, là những khu “đất vàng” sau khi các bộ, ngành di dời ấy sẽ xử lý thế nào? Quan điểm của tôi là, vì diện tích đất các bộ ngành đang sở hữu có diện tích khác nhau, vị trí khác nhau nên ai làm chủ trì thì cũng bắt buộc phải đấu giá quyền sử dụng đất. Đất của Bộ Xây dựng ở 37 Lê Đại Hành thì chắc chắn giá phải cao hơn đất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ở Ngọc Hà. Có vậy thì mới minh bạch, không làm thất thoát tài sản công.
Vấn đề cuối cùng là đấu giá rồi thì xây dựng cái gì ở đó? Quan điểm của tôi là chúng ta chuyển đi để giảm áp lực về giao thông, bộ mặt đô thị đẹp hơn, phù hợp với quy hoạch chung nên phải cân nhắc, đảm bảo công trình thay thế đáp ứng được yêu cầu đô thị khu vực đó. Quy định về mục đích sử dụng cũng phải hạn chế, không thể để công trình mới lại gây áp lực về giao thông, mật độ xây dựng hơn công trình cũ.
* Nếu như vậy thì liệu các khu “đất vàng” có mất hấp dẫn trong mắt các chủ đầu tư không, thưa ông?
- Chính vì vậy tôi mới nói là khi đã xác định di dời các bộ, ngành ra khỏi nội đô để chỉnh trang lại bộ mặt đô thị, cũng có nghĩa là Nhà nước phải có chính sách đặc biệt với các khu “đất vàng” này. Có thể là dùng vốn xã hội, vốn ngân sách, thậm chí vốn của DN đầu tư, nhưng tất cả phải đảm bảo nguyên tắc chung là biến khu đất đó thành nơi làm việc, hay nơi vui chơi đảm bảo yêu cầu về quy hoạch. Việc này phải được cam kết ngay từ đầu, trước khi đưa ra đấu giá quyền sử dụng đất để các chủ đầu tư cân nhắc, quyết định. Do bị khống chế về quy hoạch, vì vậy theo tôi, thậm chí có thể áp dụng các cơ chế ưu đãi nhằm bù đắp cho các chủ đầu tư các khu “đất vàng” này bằng việc cho phép họ được đầu tư xây dựng ở các vị trí khác... Điều quan trọng là có một cơ chế nhất quán đồng bộ để các bộ, ngành phải di dời có hành lang để thực hiện, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu.
Cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: