Top

Các bộ chưa biết đi đâu, về đâu?

Cập nhật 01/02/2012 15:10

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội vừa kiến nghị Bộ Xây dựng giao Hà Nội chủ trì việc di dời trụ sở các bộ, ngành trung ương ra khỏi nội thành và cho phép thực hiện cơ chế đặc thù lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch để các dự án đầu tư trọng điểm có thể triển khai sớm.

Không thể di dời kiểu “tuỳ thích”


Tuy nhiên, trao đổi với PV ngày 31.1, một lãnh đạo của Bộ Xây dựng khẳng định mặc dù là cơ quan giám sát thực hiện nhưng chính bộ cũng chưa biết được vị trí cụ thể của các bộ trong diện di dời sẽ chuyển đến, tuy khu vực thì đã được xác định là KĐT Tây Hồ Tây và Mễ Trì theo hướng hình thành khu hành chính tập trung.


Trụ sở Bộ Xây dựng tại 37 Lê Đại Hành, Hà Nội. Ảnh: Kỳ Anh

Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, việc này còn chờ quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết của Hà Nội. Cho đến thời điểm này đã có một số trụ sở các cơ quan bộ, ngành trung ương đã được đầu tư xây dựng ra ngoài khu vực nội đô là Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Thanh tra Chính phủ... Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng cho biết, tinh thần chung của các bộ ngành phải di dời đều mong muốn được đấu giá trụ sở cũ để làm kinh phí xây dựng trụ sở mới, nhưng việc này không đơn giản vì đây sẽ là cuộc đấu giá các tài sản hình thành trong tương lai, đặc biệt là trên các khu “đất vàng” và việc xây dựng cái gì trên khu đất ấy sẽ là vấn đề gây tranh cãi, không dễ thực hiện một sớm một chiều.

Tin mới nhất từ Bộ Xây dựng ngày 31.1 cho biết, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử quốc gia vừa có văn bản mời nhà đầu tư thực hiện dự án xây dựng trụ sở làm việc mới của bộ này. Theo đó, tổng vốn đầu tư thực hiện dự án tạm tính là 1.000 tỉ đồng. Xác nhận lại với PV Lao Động ngày 31.1, ông Phạm Đình Cường - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) - khẳng định hiện vẫn chưa có danh sách cụ thể những trụ sở cơ quan bộ nào sẽ được đưa ra bán sau khi di chuyển.

TS Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam: Nhất thiết phải có quy hoạch

Theo tôi, đề nghị chuyển trụ sở mới của các bộ, ngành ra ở đâu thì cũng phải có quy hoạch đàng hoàng. Thực tế hiện nay đang hình thành 2 khu vực được coi là “điểm đến” của các bộ, ngành: Một là Mỹ Đình, hiện nay có Bộ Nội vụ, Thanh tra Chính phủ đã chuyển về. Hai là khu vực Tây Hồ Tây, hiện đã có Bộ Công an và dự kiến Bộ Xây dựng cũng đang muốn chuyển về đó. Nhưng tôi cho rằng, việc này phải có quy hoạch cụ thể, không thể để các bộ ngành tùy tiện, cứ muốn “ở” đâu thì “ở” được. P.H (ghi)



DiaOcOnline.vn - Theo Lao Động