NHNN vừa công tài liệu phân tích chi tiết và nêu quan điểm về định hướng sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư 36 quy định các giới hạn và tỷ lệ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD). Bản phân tích được đưa ra trong bối cảnh giới kinh doanh BĐS bày tỏ lo ngại dòng vốn vào thị trường này sẽ bị siết khi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống 40% và nâng cao hệ số rủi ro của các khoản phải đòi về BĐS từ 150% lên 250%.
NHNN cho biết tính đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS đạt 393.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cuối năm 2014. Nếu tính cả đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho lĩnh vực BĐS, tổng dư nợ là 478.000 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng dư nợ và chiếm 22,2% tổng dư nợ trung, dài hạn. Thị trường BĐS đã bắt đầu phục hồi từ năm 2015, nhưng NHNN nêu rõ quan điểm: “Đã đến lúc cần thực thi chính sách tín dụng thận trọng và quản lý chặt chẽ thị trường BĐS”.
NHNN phân tích, cùng với thực tế dư nợ, những rủi ro mới có chiều hướng gia tăng trong hoạt động tín dụng NH trong năm 2015. Cụ thể, tín dụng trung, dài hạn đã tăng nhanh (29%) và chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng, làm tăng rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn. Việc gia tăng đầu tư tín dụng trung, dài hạn có thể tạo áp lực lên huy động vốn trung, dài hạn cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường. Trước bối cảnh đó, NHNN nhấn mạnh: “Vốn cho vay của các TCTD là vốn huy động từ tiền gửi của Nhân dân và phải được phân bổ, sử dụng một cách an toàn, hiệu quả nhất chứ không phải dành riêng hay dồn vốn cho BĐS. Đồng thời, trách nhiệm của ngành NH là phải bảo đảm an toàn hoạt động và an toàn tiền gửi của Nhân dân. Theo đó, NH không thể tự đặt mình vào trạng thái rủi ro do tập trung đầu tư vốn cho một hoặc một số ít lĩnh vực”.
Theo tính toán của NHNN, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung, dài hạn bình quân của hệ thống là 31% (đang có chiều hướng tăng nhanh), thì các TCTD vẫn còn có khả năng cấp tín dụng trung, dài hạn thêm cho nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực BĐS với số tiền lên đến khoảng 540.000 tỷ đồng mới tới giới hạn 40% theo dự thảo sửa đổi Thông tư 36. Do vậy, NHNN nhấn mạnh việc điều chỉnh không ảnh hưởng đáng kể đến dòng vốn tín dụng vào thị trường BĐS. Vấn đề là nhà đầu tư, kinh doanh BĐS có đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, điều kiện vay vốn để các TCTD rót vốn đầu tư không.
Một thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững cần phải có nhiều các chính sách, giải pháp hỗ trợ và quản lý của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Nó không thể phát triển lành mạnh, bền vững nếu chủ yếu dựa vào vốn vay của NH. Hiện tại, dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Đầu tư
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: