TS. Phạm Sĩ Liêm, Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, giá đất ở Việt Nam đã quá cao so với mặt bằng chung thế giới.
Thưa ông, mới đây mạng các sàn bất động sản Việt Nam đã đi vào hoạt động. Theo ông, đâu là những yếu tố cần thiết để nó mang lại lợi ích thiết thực hơn nữa cho khách hàng?
Việc thành lập mạng các sàn bất động sản Việt Nam là rất tốt. Nó cung cấp rất nhiều thông tin cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp và người có nhu cầu mua nhà về thị trường bất động sản.
Sàn giao dịch bất động sản là trung tâm môi giới, vì thế yêu cầu đầu tiên là phải có tính chuyên nghiệp cao, phải có sự góp mặt của các chuyên gia về giá bất động sản để kịp thời tư vấn cho người mua mua được nhà với giá hợp lý. Đặc biệt là phải đảm bảo tính trung thực của các thông tin được đăng tải trên mạng...
Vừa qua, Bộ Xây dựng cũng đã hoàn thành và trình Chính phủ đề án cho phép người nước ngoài được mua nhà ở tại Việt Nam. Khi đề án này được triển khai thì sẽ tác động như thế nào đến thị trường nhà ở tại Việt Nam?
Đương nhiên là có tác động vì rất nhiều người nước ngoài sẽ chuyển từ thuê sang mua. Khi chưa có đề án này, người ta cũng đã mua dưới nhiều hình thức nhưng chưa chính thức hóa. Việc cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ làm lành mạnh hóa thị trường nhà đất, giúp quản lý xã hội tốt hơn.
Tuy nhiên, quy mô phát triển của thị trường này ở mức độ nào thì chưa nói được vì nó phụ thuộc vào từng thời điểm, phải có sự điều tra nghiên cứu công phu mới có được dự báo chuẩn xác.
Từ 1/1/2008, giá thuê nhà theo Nghị định 61 sẽ được điều chỉnh tăng. Từng là người tham gia soạn thảo Nghị định 61, ông nhận định như thế nào?
Nghị định 61 đến nay ít ra đã được triển khai trong 15 năm. Chính sách đó chỉ là chính sách bán nhà Nhà nước cho người đang ở và chỉ là bước khởi đầu cho những bước tiếp theo.Tôi không ngờ 15 năm rồi mà bước khởi đầu này vẫn chưa thực hiện xong.
Đến nay, chúng ta đã thực hiện xoá bỏ bao cấp nhà ở, do đó, đến kỳ hạn số lượng nhà chưa bán được thì phải cho thuê theo giá thị trường. Có nhiều cách tính nhưng tối thiểu phải bằng 1/150 giá bán để có thể thu hồi vốn sau 12 năm (dù vẫn là quá chậm).
Với giá thuê hiện nay, không đủ để trả lương cho đội ngũ quản lý, không đủ chi phí sửa chữa, bảo dưỡng... Còn nhà ở cho những đối tượng chính sách xã hội thì Nhà nước phải hỗ trợ riêng.
Theo ông, Luật Cư trú mới được triển khai tác động như thế nào đến cuộc sống đô thị nước ta?
Trong những năm gần đây, dân số đô thị trong cả nước tăng lên rất nhiều, chủ yếu là do người nhập cư. Do đó Luật Cư trú không làm tăng dân số vì không có luật này thì dân số vẫn tăng.
Dân số tăng mà chính quyền đô thị cứ phớt lờ (không tính đến số lượng người nhập cư) thì sẽ làm hại chính bản thân đô thị đó. Càng có nhiều người nhập cư, càng đông khách vãng lai, chứng tỏ đô thị càng phồn thịnh và có động lực phát triển. Luật Cư trú chẳng qua chỉ làm đô thị và người nhập cư đỡ phần khó khăn chứ không tạo khó khăn cho cho đô thị.
Việc triển khai luật này có làm tăng nhu cầu về nhà ở tại các đô thị?
Nhu cầu nhà ở của dân số đô thị lúc nào cũng lớn, người ở tỉnh khác mua nhà rất nhiều, nhiều người không có hộ khẩu vẫn có thể mua nhà ở đô thị. Trong nền kinh tế thị trường, về mặt xã hội luôn có sự lưu động xã hội.
Do đó, chính quyền đô thị phải tạo điều kiện thuận lợi nhanh chóng cho người nhập cư ổn định cuộc sống. Thị trường làm đô thị phát triển dù có luật hay không có luật này. Chuyện cư trú cũng là điều kiện để phát triển thị trường tại đô thị.
Trong thời gian tới, theo ông giá nhà đất có tăng lên không?
Hiện nay nhu cầu về nhà ở, cao ốc, văn phòng, căn hộ cao cấp tại Hà Nội, Tp.HCM và một số đô thị có tiềm năng phát triển du lịch là rất lớn và giá thuê cũng rất cao. Điều này là yếu tố thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào bất động sản nhưng tính về lợi ích, chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đầu tư.
Do đó thị trường này cần phải được điều chỉnh lại, cơ quan Nhà nước nên cung cấp thêm đất đai, đơn giản hóa việc cấp giấy phép đầu tư cho các nhà đầu tư. Hiện nay chính sách giá nhà ở xã hội mới chỉ là nói suông chứ chưa hình thành. Để thúc đẩy mảng thị trường này, cần phải có chính sách nhà ở, chính sách tài chính đất đai đi kèm.
Nhưng như tôi nói, thị trường bất động sản mang tính địa phương nên việc dự báo nhu cầu, giá cả lúc này có khi không đúng. Tôi không mong giá bất động sản ở nước ta bị đẩy lên nữa, nó đã quá cao so với mặt bằng chung thế giới, cần phải tìm cách giảm xuống.
Theo Huyền Ngân - VnEconomy
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: