Top

Xử lý công trình xây dựng không phép, sai phép ở TPHCM:

Cập nhật 28/07/2007 14:00

Theo chỉ đạo của UBND thành phố, trong tháng 11.2007, các quận, huyện phải rà soát, xử lý xong toàn bộ công trình xây dựng không phép. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này quả là không dễ, bởi có tới gần 12.000 căn nhà xây dựng không phép, sai phép phải xử lý.

Xây nhiều, tháo dỡ chẳng bao nhiêu

Sau khi Luật Xây dựng có hiệu lực (1.7.2004), đã có một đợt "đại xá thiên hạ" cho các công trình xây dựng không phép, sai phép trước ngày 1.7.2004. Để cụ thể hoá điều này, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 139, hướng dẫn thi hành Điều 121 Luật Xây dựng.

Theo đó, tất cả các công trình xây dựng không phép, sai phép đều được xem xét cho tồn tại theo hiện trạng, tiến đến hợp thức hoá. Quyết định 139 cũng nhấn mạnh, tất cả những công trình xây dựng không phép, sai phép sau ngày 1.7.2004 đều phải cương quyết tháo dỡ...

Theo số liệu của Sở Xây dựng, kể từ ngày 1.7.2004 đến nay, trên địa bàn thành phố vẫn tiếp tục phát sinh gần 12.000 trường hợp xây dựng không phép, trái phép. Trong đó, mới chỉ có hơn 50% bị chính quyền phát hiện và buộc phải tháo dỡ. Số lượng các công trình xây dựng vi phạm chủ đầu tư tự tháo dỡ hoặc bị chính quyền địa phương tổ chức cưỡng chế đúng như quy định của pháp luật thấp hơn rất nhiều là gần 1.500 trường hợp.

Sự thiếu kiên quyết của chính quyền địa phương có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân coi thường pháp luật, tiếp tục xây dựng không phép. Chẳng hạn, ở quận Bình Tân, chỉ trong một thời gian ngắn, đã có hơn 400 căn nhà mọc lên trên khu vực dự định là quy hoạch cây xanh... Còn ở quận Thủ Đức, chỉ tính riêng phường Hiệp Bình Chánh, chỉ trong vòng chưa đến 3 năm đã có 1.018 trường hợp vi phạm xây dựng.

Xử lý: Tiến thoái lưỡng nan

Trước những diễn biến phức tạp của tình trạng xây dựng không phép, sai phép trong thời gian qua, ông Nguyễn Hữu Tín - Phó Chủ tịch UBND thành phố - đã chỉ đạo: Thành phố giao cho Sở Xây dựng phối hợp với các quận, huyện rà soát tình hình xây dựng không phép, sai phép, xử lý nghiêm các công trình, cá nhân, tổ chức sai phạm và hoàn thành trong tháng 11.2007.

Vấn đề đặt ra là trong vòng 4 tháng, thành phố có đủ can đảm để tháo dỡ theo quy định hơn 10.000 công trình xây dựng không phép hay không? Trong một buổi làm việc mới đây, Sở Xây dựng đã đề xuất theo hướng cho tồn tại kèm theo một số điều kiện. Thế nhưng vấn đề đặt ra là nếu cho tồn tại thì liệu thành phố có vi phạm các quy định của pháp luật. Đây chính là khúc mắc của vấn đề và UBND thành phố đã chưa quyết được hướng xử lý như thế nào và giao cho Sở Xây dựng tiếp tục nghiên cứu.

Theo Ngọc Huân - Lao Động