Đó là đúc kết của các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, tại hội thảo “Những bài học kinh nghiệm quốc tế và VN về công trình ngầm đô thị” do Tổng hội xây dựng VN tổ chức tại TPHCM ngày 22-10.
Khi mặt đất tại các đô thị lớn ở VN như Hà Nội, TPHCM... trở nên quá đắt đỏ, đồng thời phải đương đầu với vấn nạn hạ tầng đô thị quá tải thì việc khai thác không gian ngầm trở thành hướng đi tất yếu.
Vừa làm vừa run!
Tiến sĩ Lê Khắc Hiệp, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vincom, cho rằng đây là “mỏ vàng” mới của đô thị nếu biết khai thác một cách đúng đắn. Tại các nước tiên tiến, việc khai thác các công trình ngầm đã tiến những bước khá xa. Từ khái niệm chỉ gói gọn cho từng công trình, từng tổ hợp công trình ngầm đơn lẻ đã xuất hiện các khái niệm mới hơn, rộng hơn như: “đô thị ngầm”, “TP phát triển hướng về phía dưới mặt đất”...
Ở VN do chưa có quy hoạch ngầm cho đô thị, dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm nên phát triển không đồng bộ, thiếu các công trình đa chức năng phục vụ cho lợi ích cộng đồng. Còn các doanh nghiệp thì “vừa làm vừa run” do lo sợ khi có quy hoạch sẽ tạo ra phức tạp. Đơn cử như dự án bãi đậu xe ngầm tại công trường Lam Sơn (TPHCM), chủ dự án đã tốn nhiều năm trời và hàng chục tỉ đồng nhưng kết quả là không được xây dựng. Bên cạnh đó, việc thiếu hành lang pháp lý khiến chính ngay cả cơ quan cấp phép cũng lúng túng.
Ngoài ra, cơ chế chính sách không khuyến khích các doanh nghiệp làm công trình ngầm, cụ thể là việc thu tiền sử dụng đất nếu khai thác công trình ngầm bằng 50% so với mặt đất, trong khi việc xây dựng, quản lý bảo dưỡng công trình ngầm vừa tốn kém lại thu hồi vốn chậm. “Nếu không có cơ chế khuyến khích thì việc phát triển không gian ngầm sẽ giậm chân tại chỗ và gây ra tình trạng lãng phí”- các chuyên gia nhận định.
Khai thác không gian ngầm là hướng đi tất yếu
tại các đô thị lớn. Ảnh: T.Thạnh.
Hiệu quả rất lớn
Giáo sư Nguyễn Văn Quảng, cố vấn cao cấp Công ty Apave VN và Đông Nam Á, nêu bài học kinh nghiệm của Nga: Việc sử dụng không gian ngầm ở thủ đô Moscow đã giúp tiết kiệm hàng ngàn ha đất đô thị, trong khi nếu giải phóng mặt bằng với quỹ đất như trên tại trung tâm TP là vô cùng đắt đỏ. Mặt khác, khi xây dựng 1 km đường nổi với 6 làn xe hơi, phải cần diện tích đất từ 4,5 đến 7 ha, còn để xây dựng 1 km ngầm như vậy mất rất ít. Theo giáo sư Quảng, đầu tư ban đầu cho công trình ngầm rất lớn nhưng hiệu quả lâu dài còn lớn hơn rất nhiều.
DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: