Top

Không dùng bảng giá đất năm 2010 tại TPHCM để tính bồi thường

Cập nhật 04/12/2009 10:10

Đó là một trong những nội dung mới trong tờ trình của UBND TPHCM với HĐND TPHCM về điều chỉnh Bảng giá đất các loại đất trên địa bàn TPHCM dự kiến công bố vào ngày 1-1-2010. Cũng tại tờ trình, 151 tuyến đường trên địa bàn thành phố được sung thêm vào bảng giá đất mới, nhưng chỉ có 12 tuyến đường được đề xuất tăng giá.

Chỉ còn áp dụng vào 4 mục đích

Theo tờ trình, Bảng giá đất năm 2010 chỉ còn áp dụng cho 4 nhóm mục đích, thay vì 7 mục đích như đang được áp dụng. Cụ thể là: tính thuế sử dụng đất, thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất; tính giá trị quyền sử dụng đất khi giao đất không thu tiền sử dụng đất; tính lệ phí trước bạ và thứ tư, tính tiền bồi thường đối với người có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai gây thiệt hại cho Nhà nước.

3 nhóm mục đích bị loại bỏ là: Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất, cho thuê đất; doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa lựa chọn hình thức giao đất và đặc biệt nhất đó là Bảng giá đất năm 2010 sẽ không áp dụng để bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
 

Giá đất năm 2010 ở khu vực quận 7, trong đó có khu Phú Mỹ Hưng vẫn được giữ nguyên.


Tờ trình nêu rõ lý do Bảng giá đất năm 2010 chỉ cón áp dụng cho 4 nhóm mục đích và bỏ mục đích về áp dụng giá theo Bảng giá đất để tính bồi thường do tại NĐ 69/2009/NĐ-CP ngày 13-8-2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy định sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quy định “Khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất; bồi thường về nhà đất khi Nhà nước thu hồi đất; DN Nhà nước tiến hành cổ phần hóa lựa chọn hình thức giao đất nếu bảng giá đất do UBNDTP ban hành chưa sát với giá thị trường trong điều kiện bình thường thì UBNDTP cấp tỉnh căn cứ vào giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường đề điều chỉnh mức giá cho phù hợp”.

Cải thiện môi trường đầu tư

Mục tiêu khi xác định Bảng giá đất năm 2010 là tiếp tục ổn định và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư và hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế- xã hội của TP. Tạo điều kiện thuận lợi để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với bộ phận người dân có thu nhập thấp chưa hoàn thành xong hoặc nợ tiền sử dụng đất. Năm 2010, TP tập trung kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu thụ các sản phẩm BĐS. Ngoài ra, do thị trường nhà đất năm 2009 không có biến động lớn nên Bảng giá đất năm 2010 về cơ bản vẫn giữ nguyên so với Bảng giá đất năm 2009, chỉ điều chỉnh giá một số tuyến đường đã được nâng cấp, cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh.

Do Bảng giá đất năm 2009 đã được điều chỉnh trong giới hạn cho phép cao hơn không quá 20% so với mức tối đa (đối với đất ở đô thị không cao hơn 81 triệu đồng/m²) và thấp hơn không quá 20% so với mức giá tối thiểu (đối với đất đô thị không thấp hơn 1,2 triệu đồng/m²) theo quy định tại NĐ 123/CP của Chính phủ nên Bảng giá đất năm 2010 giữ nguyên khung giá tối đa và tối thiểu của Bảng giá đất năm 2009.

Đề xuất tăng giá 12 tuyến đường

So với năm 2009, Bảng giá đất 2010 tại TPHCM tăng từ 2.739 lên 2.890 tuyến đường, tức bổ sung thêm 151 tuyến đường vào bảng giá đất mới. Tuy nhiên, chỉ có 12 tuyến đường trên địa bàn thành phố được đề xuất tăng giá. Cụ thể là quận 1 (1 đường: Bến Chương Dương), quận 5 (5 đường: Vạn Kiếp, Vạn Tượng, Võ Trường Toản, Vũ Chí Hiếu, Xóm Chỉ), quận 6 (1 đường: Trần Văn Kiều), quận Bình Tân (3 đường: Lê Trọng Tấn, Số 12, Lê Văn Quới), quận 8 (1 đường: Hoàng Đạo Thúy), quận 12 (1 đường: Lê Thị Riêng). Riêng giá đất ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) gần như được giữ nguyên.

Nguyên nhân tăng giá các tuyến đường trên do một số đường mới hoàn thành, mở rộng… Còn lại, Bảng giá đất dự kiến áp dụng cho năm 2010 giữ nguyên giá cho 2.719 tuyến đường. Trong đó ba tuyến đường có giá đất ở cao nhất vẫn là 3 tuyến đường tại quận 1 (Nguyễn Huệ, Đồng Khởi và Lê Lợi giá 81 triệu đồng/ m²). Giá đất ở thấp nhất là 1,2 triệu đồng/m² tại huyện Cần Giờ.

Đối với nhóm đất nông nghiệp được phân làm ba khu vực. Khu vực I gồm các quận; khu vực II gồm các huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi; khu vực III là huyện Cần Giờ... Theo đó, đất trồng cây lâu năm có mức giá cao nhất là 190.000 đồng/m², đất trồng cây hàng năm là 162.000 đồng/m², đất rừng sản xuất 72.000 đồng/m², đất nuôi trồng thủy sản 162.000 đồng/m², đất làm muối 74.400 đồng/m².

Để xây dựng bảng giá các loại đất như trên, TP đã thuê đơn vị tư vấn khảo sát giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường của tất cả các tuyến đường trên địa bàn 24 quận, huyện. Dựa trên kết quả khảo sát này, các quận, huyện đã tiến hành kiểm tra và thẩm định để hình thành một mặt bằng giá đất phù hợp với thực tế giữa các tuyến đường.
 

Một số tuyến đường đề xuất điều chỉnh giá

Quận 1

- Đường Bến Chương Dương (đoạn Hồ Tùng Mậu – Nguyễn Thái Học) từ 25,3 triệu đồng/m² lên 30,8 triệu đồng/m² (tỉ lệ tăng 21,74%), giá thị trường hiện nay 140 triệu đồng/m² .

- Đường Bến Chương Dương (đoạn Nguyễn Thái Học – Nguyễn Văn Cừ) từ 24,2 triệu đồng/m2 lên 29,7 triệu đồng/m² (tăng 22,73%), giá thị trường 135 triệu đồng/m² .

Quận 6

- Đường Trần Văn Kiểu (đoạn Ngô Nhân Tịnh – Cầu Lò Gốm) từ 11,7 triệu đồng/m² lên 16 triệu đồng/m² (tăng 36,75%), giá thị trường 72,7 triệu đồng/m².

Quận 8


- Đường Hoàng Đạo Thúy từ 2,2 triệu đồng/m² lên 3,1 triệu đồng/m² (tăng 40,91%), giá thị trường 14 triệu đồng/m².

Quận 12

- Lê Thị Riêng từ 2 triệu đồng/m² lên 2,4 triệu đồng/m² (tăng 20%), giá thị trường 10,92 triệu đồng/m².

Quận Bình Tân

- Số 12 (đoạn Tân Kỳ Tân Quý- đường 26/3) từ 1,5 triệu đồng/m2 lên 1,8 triệu đồng/m2 (tăng 20%)

- Lê Trọng Tân (đoạn Cầu Bưng – Quốc lộ 1A) từ 3,1 triệu đồng/m2 lên 3,7 triệu đồng/m2 (tăng 20%)

- Lê Văn Quới từ 3,5 triệu đồng/m2 lên 4,2 triệu đồng/m2 (tăng 20%)

 

DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Giải Phóng