Top

Các địa phương thực hiện linh hoạt Quyết định 167CP

Cập nhật 03/12/2009 15:25

Thạc sĩ – KTS Vũ Xuân Thiện

Đó là nhận xét của Thạc sĩ – KTS Vũ Xuân Thiện, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), Trưởng đoàn công tác của Ban Điều phối chương trình 167 của Chính phủ về Chính sách hỗ trợ hỗ nghèo về nhà ở khi trao đổi với Phóng viên sau chuyến đi kiểm tra tình hình triển khai thực hiện Quyết định 167/2008/QĐ-TTg tại các địa phương. Ông Thiện cho biết:

Vừa qua, Bộ Xây dựng chủ trì và phối hợp Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, các bộ: Bộ Tài chính, Bộ Lao động - TBXH, Bộ NN&PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội… đi kiểm tra việc triển khai thực hiện Quyết định 167 tại các một số tỉnh, thành như: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Thanh Hóa, Nghệ An, An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Ninh Thuận, Lâm Đồng, KonTum. Ngoài ra, Cơ quan đại diện Bộ Xây dựng tại TP.HCM đã tiến hành kiểm tra tại hầu hết các tỉnh phía Nam. Mục đích để kiểm tra, rà soát, đôn đốc, hướng dẫn… các địa phương trong quá trình thực hiện quyết định này. Hầu hết các tỉnh thành đã chủ động thực hiện linh hoạt chương trình nên đã đạt được kết quả ban đầu rất khả quan.

* Ông có đánh giá gì về tình hình thực hiện Quyết định 167 tại các địa phương trên cả nước?

- Qua kiểm tra, hầu hết các địa phương đều tập trung chỉ đạo từ cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã cho đến thôn bản một cách đồng bộ. UBND cấp tỉnh, cấp huyện đều đã kiện toàn Ban giảm nghèo của địa phương để chỉ đạo việc triển khai thực hiện Quyết định 167. Đồng thời các địa phương đã rất quan tâm đến việc triển khai thực hiện chương trình và ban hành các văn bản hướng dẫn chỉ đạo cụ thể, phù hợp với điều kiện của địa phương mình; Tổ chức tuyên truyền sâu rộng để các cấp, ngành, các địa phương trong tỉnh và đến tận người dân hiểu và cùng tham gia triển khai chương trình. Điều đặc biệt của chương trình 167 là mang tính xã hội hóa cao, thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, dòng họ, hộ gia đình cùng tham gia đóng góp để xây dựng căn nhà cho chính mình.

* Cụ thể kết quả đạt được so với mục tiêu đề ra thì sao thưa ông?

- Theo Quyết định 167 chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở được thự hiện từ đầu năm 2009 đến hết năm 2012 với mục tiêu xây dựng được khoảng 500.000 căn nhà từ các nguồn vốn như: Vốn Ngân sách Trung ương hỗ trợ; Vốn Ngân sách địa phương; Vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội ;Vốn huy động từ Quỹ Ngày vì người nghèo; Vố huy động từ các doanh nghiệp, các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước;Vốn huy động của Cộng đồng dòng họ và chính hộ Gia đình được hộ trợ, … thì đến nay (hết tháng 11/2009) kết quả đạt được rất khả quan.
 

Nhà ở chương trình 167 đã đến với đồng bào huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận


Cụ thể: Tổng số căn hộ đã hoàn thành và bàn giao 52.990/126.411 căn so với kế hoạch năm 2009. Trong đó xây mới 52.487 căn và sửa chữa 503 căn nhà. Riêng 62 huyện nghèo đã thực hiện được 28.650 căn/77.995 căn . Đối với đồng bào Khơme tại khu vực Tây Nam Bộ, đã thực hiện được 9.806 căn/23.784 căn. Số còn lại của kế hoạch năm và đặc biệt là số hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại 62 huyện nghèo và số hô nghèo là người dân tộc Khơme đều đang được triển khai và sẽ cơ bản hoàn thành trong tháng 12/2009.

* Vấn đề mà người nghèo rất quan tâm là quy cách và chất lượng của những căn nhà này như thế nào thưa ông?

- Về nhà ở được triển khai theo Chương trình 167, Bộ Xây dựng đã yêu cầu mỗi tỉnh, thành phải có ít nhất 3 mẫu thiết kế phù hợp với điều kiện xây dựng, phong tục tập quán của địa phương và phải đảm bảo yêu cầu diện tích từ 24m2 trở lên với tuổi thọ trên 10 năm như trong Quyết định 167. Trên cơ sở đó, người dân tự lựa chọn và được điều chỉnh để phù hợp với từng điều kiện của hộ gia đình mình.
 

Các căn nhà xây dựng đều đảm bảo chất lượng và tuổi thọ cao



Thực tế ở tất cả các địa phương mà đoàn công tác đã kiểm tra, có thể thấy về nhà ở đã và đang được thực hiện đều có diện tích hơn 28m2 với giá trị trên 20 triệu đồng và chất lượng đảm bảo tuổi thọ trên 10 năm trong đó rất nhiều nhà xây kiên cố với diện tích trên 36m2. Nhà được xây dựng chủ yếu là nhà xây bằng gạch, nhà khung gỗ lợp mái tôn, ngói hoặc Phibroximang chất lượng đảm bảo và được người dân hài lòng ngay trong quá trình xây dựng cũng như khi dọn về sống trong căn nhà mới.

* Như vậy so với mục tiêu đề ra, chương trình sẽ cơ bản hoàn thành kế hoạch năm 2009. Nhiệm vụ đặt ra trong năm 2010 và các năm tiếp theo còn rất nặng nề, để chương trình tiếp tục triển khai thuận lợi đảm bảo tiến độ thì theo ông các cấp cần giải quyết những vấn đề gì?

- Thứ nhất, vốn hỗ trợ của Nhà nước phải được đáp ứng theo yêu cầu tiến độ, đủ và sớm ngay từ đầu năm để các địa phương có kế hoạch chủ động triển khai chương trình. Thứ hai, các tỉnh, thành cần tiếp tục quan tâm chỉ đạo, tuyên truyền vận động đến các cấp ngành và tận người dân để triển khai đồng bộ đảm bảo mục tiêu đề ra. Thứ ba, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục vận động đông đảo quần chúng nhân dân, các tổ chức cá nhân đặc biệt là các doanh nghiệp tích cực ủng hộ giúp đỡ, hỗ trợ hộ nghèo cải thiện nhà ở. Thứ tư, đối với người dân trong diện được hưởng chính sách, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng, cần chủ động phát huy nội lực, tự đóng góp một phần kinh phí và nhân công để xây dựng nhà ở cho mình…

Xin cám ơn ông!

DiaOcOnline.vn - Theo Báo Xây Dựng