Các chuyên gia cho rằng chỉ có cho thuê hoặc đấu giá “đất vàng” mới tránh thất thoát tài sản nhà nước ở doanh nghiệp cổ phần hóa
Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo nghị định mới về chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành công ty cổ phần (thay thế Nghị định 59/2011, Nghị định số 189/2013 và Nghị định số 116/2015). Trong đó, nội dung được chú ý là “Xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN cổ phần hóa; xử lý các vấn đề về tài chính trước và trong quá trình cổ phần hóa được tăng cường bảo đảm ngăn chặn thất thoát vốn và tài sản nhà nước”.
Dự thảo tiếp tục hướng dẫn việc xác định giá đất cụ thể (cả thuê và giao) theo quy định của Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, căn cứ giá đất cụ thể do UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương công bố, DN có trách nhiệm tính vào giá trị DN và nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về đất đai.
Một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho biết dự thảo nghị định đã quy định rõ công ty cổ phần được chuyển đổi từ DNNN phải thực hiện quản lý và sử dụng đất của DN theo đúng mục đích, đúng phương án sử dụng của toàn bộ diện tích đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp công ty cổ phần được cơ quan có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các nghĩa vụ với nhà nước theo giá thị trường tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Ông Nguyễn Duy Long, Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính:
Bịt kẽ hở khi cổ phần hóa
Theo quy định hiện nay, xác định giá trị đất đai khi cổ phần hóa DNNN không bao gồm đất thuê của nhà nước và trả tiền thuê hằng năm. Đây chính là kẽ hở được nhiều DN lợi dụng giữ lại “đất vàng”, làm thất thoát tài sản nhà nước khi cổ phần hóa. Dự thảo nghị định chuyển đổi DNNN sang công ty cổ phần thay thế Nghị định 59/2011/NĐ-CP và các nghị định khác liên quan đã được Bộ Tài chính xây dựng theo hướng bổ sung các vấn đề về xử lý đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN cổ phần hóa nhằm bịt kẽ hở này. Theo đó, cơ quan soạn thảo sẽ đưa giá trị đất (gồm cả đất thuê và giao) tính vào giá trị DN, bao gồm cả lợi thế vị trí địa lý của khu đất, sẽ chấm dứt tình trạng đất thuê được định giá bằng 0 trong các phương án cổ phần hóa như hiện nay. Đồng thời, chấm dứt tình trạng chuyển đổi trụ sở nhà máy, cơ quan, kho bãi, cảng biển… thành các chung cư, văn phòng, trung tâm thương mại một cách dễ dàng, tùy tiện.
Cụ thể, dự thảo đã bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu DN cổ phần hóa có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền quyết định. Phương án sử dụng đất của DN phải bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... tại địa phương và phải được gửi đến UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị DN. Những diện tích đất DN sử dụng chưa phù hợp và không đúng quy hoạch sẽ bị thu hồi. DN nắm giữ đất sau cổ phần hóa sẽ chuyển qua hình thức thuê đất và nhà nước sẽ điều chỉnh tiền thuê đất 5 năm/lần.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong:
Cần có chế tài với hành vi tham nhũng
Việc sửa đổi nghị định về cổ phần hóa DNNN lần này là rất quan trọng vì trong số các DN chưa cổ phần hóa, phần lớn là các công ty, tập đoàn nắm giữ tài sản khổng lồ của quốc gia, trong đó có đất đai. Với thực trạng có nhiều sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai tại các DNNN xảy ra thời gian qua, ban soạn thảo dự thảo nghị định đã bổ sung các giải pháp xử lý vấn đề về đất đai và xác định giá trị quyền sử dụng đất trong giá trị DN.
Theo tôi, dự thảo này có mấy điểm đáng chú ý như sau: Điều chỉnh chính sách đất đai là cần thiết theo hướng tính đúng, tính đủ và quản lý chặt chẽ. Thông qua chính sách về đất đai để bảo đảm bình đẳng giữa DNNN và DN ngoài nhà nước là điểm nhấn trong quá trình hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, có thể đụng chạm và gây phản ứng đối với các đối tượng bị điều chỉnh nhưng nếu quyết tâm thực hiện sẽ bịt được kẽ hở và việc lạm dụng tài sản nhà nước. Trong quá trình thực hiện, nếu “ông” nào chần chừ hoặc cố tình không làm thì chứng tỏ là muốn giữ lợi ích nhóm. Vì vậy, khi ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện, Bộ Tài chính cần làm rõ các quy định, coi đó là tham nhũng đất đai và có chế tài mạnh.
TSKH Trần Quang Thắng - đại biểu HĐND TP HCM, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TP:
Cần sự giám sát của HĐND các cấp
Chính phủ đang quyết tâm và mạnh tay hơn trong việc cổ phần hóa cũng như chống thất thoát tài sản, cụ thể là “đất vàng” của các DN trong quá trình cổ phần hóa. Tuy nhiên, tất cả phải theo quy định của luật nên không thể dễ dàng làm sai nếu như có sự tham gia, giám sát của cơ quan chức năng. Đặc biệt là tận dụng cả HĐND các cấp trong việc giám sát các tổ chức kinh tế thì quá trình cổ phần hóa sẽ tốt hơn.
Nếu quá trình cổ phần hóa theo đúng trình tự thủ tục, minh bạch và biết tận dụng quyền hạn của cơ quan chức năng đúng chuyên môn để giám sát, tư vấn thì sẽ không bị thất thoát dù là tài sản đất đai. Về các nhà đầu tư nước ngoài, khi tham gia mua cổ phần của DNNN cổ phần hóa, họ chủ yếu cần đất sạch, thủ tục pháp lý rõ ràng và khả năng phát triển của DN đó ra sao chứ không chỉ nhắm vào “đất vàng”.