Mua bảo hiểm nhà ở là một trong những giải pháp Bộ Xây dựng vừa bàn đến nhằm giúp người mua nhà không bị mất tiền trong trường hợp chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án; tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc này khó có thể thực hiện được.
Một dự án chung cư trên đường Đinh Bộ Lĩnh bị người mua nhà kiện ra tòa vì không bàn giao nhà. Ảnh: Đình Dũng
|
Mua bảo hiểm nhà ở là một trong những giải pháp Bộ Xây dựng vừa bàn đến nhằm giúp người mua nhà không bị mất tiền trong trường hợp chủ đầu tư không còn khả năng thực hiện dự án; tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc này khó có thể thực hiện được.
Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, cho rằng đây là ý kiến hay nhưng hoàn toàn lý thuyết và không khả thi trên thực tế vì một số lý do.
Thứ nhất, doanh nghiệp bảo hiểm nào dám bán bảo hiểm cho các dự án chung cư trong bối cảnh nhiều dự án đang “chết bờ chết bụi”. Nghĩa là xác suất các doanh nghiệp dừng dự án rất cao.
Thứ hai, ai là người bỏ tiền ra mua, người mua nhà hay chủ đầu tư? Nếu là người mua nhà thì chi phí quá cao, còn nếu là doanh nghiệp thì dự án sẽ tăng chi phí đầu tư, mà xét cho cùng chi phí đó cuối cùng cũng sẽ được phân bổ vào giá bán căn hộ.
Thứ ba, mức phí bảo hiểm sẽ là bao nhiêu? Điều chắc chắn sẽ rất cao vì bất động sản là lãnh vực rủi ro rất cao, vài chục phần trăm trên tổng giá trị tài sản chứ không thể ở mức 0,1 - 0,3%/năm mức phí bảo hiểm công trình xây dựng hiệu nay.
Ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, cho biết lâu nay doanh nghiệp mua bảo hiểm cho các công trình lắp đặt trong trường hợp cháy nổ, thiên tai bất ngờ, chứ không bảo hiểm cho khả năng tài chính của chủ đầu tư.
Ông Lộc cho biết những rủi ro lừa đảo, vi phạm pháp lý làm sao doanh nghiệp bảo hiểm dám phát hành bảo hiểm cho những trường hợp đó. Hoặc nếu có, liệu các chủ đầu tư có chịu nỗi mức phí các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra?
Điều này, theo ông Lộc, không khác gì bảo lãnh ngân hàng, nghĩa là bảo hiểm trách nhiệm thực hiện hợp đồng với khách hàng theo đúng cam kết. Trong trường hợp chủ đầu tư không thực hiện, người cấp bảo lãnh sẽ đứng ra chi trả.
Vấn đề là để được cấp bảo lãnh chủ đầu tư phải có tiền, hoặc tài sản đảm bảo có giá trị lớn hơn giá trị của dự án đó.
“Người ta nắm đàng chuôi, chứ làm gì có chuyện không có xu nào đòi bảo lãnh”, ông Lộc nói.
Ở các nước khác, theo ông Lộc, các doanh nghiệp bất động sản làm ăn chuyên nghiệp, chứ không làm theo kiểu “đánh quả” như ở Việt Nam. Nhiều người chỉ có miếng đất, xin xây chung cư, chào bán xong rồi phủi tay làm chuyện khác.
Ý tưởng mua bảo hiểm nhà ở đến từ thực trạng thị trường địa ốc hiện nay với nhiều dự án bất động sản xây dựng dở dang, nhận tiền góp vốn của khách hàng nhưng không bàn giao nhà gây mất niềm tin cho người mua và thị trường nói chung.
Vấn đề đặt ra là làm sao người mua nhà có thể giám sát được tiền của mình được chủ đầu tư dùng để phát triển dự án, chứ không đem đầu tư dàn trải sang các dự án khác.
Theo số liệu của Sở Xây dựng TPHCM, hiện TPHCM có khoảng 1.320 dự án nhà ở, cung cấp khoảng 572.000 căn. Trong đó, các dự án đã hoàn thành là 131 dự án, số dự án tạm dừng khoảng 310 dự án, và phần còn lại đang triển khai xây dựng.
DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Kinh tế Sài gòn
Hỗ trợ dịch vụ
Liên hệ phòng kinh doanhKẾT NỐI VỚI CHÚNG TÔI TẠI: