Top

Khốn khổ vì 'ưu đãi'

Cập nhật 29/07/2016 14:51

Dù Thủ tướng đã chính thức gia hạn gói vay 30.000 tỉ đồng đến hết năm 2016, nhưng nhiều gia đình vay vốn ở gói này đang lo lắng vì ngân hàng thông báo sẽ tính lãi suất thị trường cho các khoản giải ngân sau 1.6.2016, do chưa có văn bản hướng dẫn từ Ngân hàng Nhà nước.

Người dân đang chịu mức lãi suất tăng gấp đôi Ảnh: Đình Sơn

Lãi vay tăng gấp đôi

Anh Sang, một khách hàng đã ký hợp đồng với Ngân hàng (NH) Vietcombank vay gói 30.000 tỉ đồng để mua căn hộ tại dự án Topaz City (Q.8, TP.HCM), mấy ngày nay như muốn “chết đứng” vì thông báo của nhân viên tín dụng yêu cầu anh muốn giải ngân các đợt tiếp theo sau ngày 1.6 phải lên NH ký lại phụ lục hợp đồng, với mức lãi suất theo lãi suất thương mại 7,5%/năm đầu tiên và những năm sau đó sẽ điều chỉnh theo thông báo NH khoảng 10%/năm.

“Lúc gói này được ban hành chúng tôi không hề nghe và cũng không hề biết nó có thời hạn được hưởng ưu đãi về lãi suất, cứ nghĩ rằng nó kéo dài suốt thời gian vay, tức khoảng 15 năm. Nếu biết như vậy tôi không dám vay mua nhà. Bởi nếu trả lãi suất theo lãi suất thương mại thì tôi có thể có nhiều lựa chọn mua ở những dự án khác, không cần phải mất quá nhiều thời gian, công sức để đi làm các thủ tục về xác nhận thu nhập, xác nhận về tình trạng nhà ở, rồi phải làm việc với NH... ”, anh Sang bức xúc.

Chị Trần Mai Ngọc (34 tuổi), mua căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Đại Kim ở Q.Hoàng Mai, Hà Nội, cho biết hai vợ chồng có tổng thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, đầu năm 2015 đã được NH BIDV duyệt hồ sơ cho vay mua nhà với số tiền 700 triệu đồng trên tổng giá trị căn hộ là hơn 1 tỉ đồng trong gói 30.000 tỉ đồng, lãi suất 5%, thời hạn vay 15 năm. Đến nay đã được giải ngân 5 đợt với số tiền hơn 400 triệu đồng. Gần đây, NH thông báo số tiền còn lại khoảng 300 triệu đồng sẽ thỏa thuận lãi suất ở mức 9 - 11%/năm. “Với số tiền vay hiện nay, gia đình tôi đang phải nộp cả gốc và lãi là hơn 6 triệu đồng/tháng. Nếu phải cõng thêm mức lãi suất cao như vậy, số tiền phải trả hằng tháng có thể lên đến cả chục triệu đồng/tháng, chắc không chịu nổi”, chị Ngọc lo lắng. Đồng cảnh ngộ, chị Trần Kim Ngân (36 tuổi), mua căn hộ tại dự án chung cư thương mại giá rẻ Parkview Residence ở Q.Hà Đông, Hà Nội, vừa bấm ngón tay cộng trừ tiền lương để tính kế cắt giảm chi phí sinh hoạt, dành tiền nộp lãi cho NH vừa than. “Đùng một cái, NH báo lãi suất khoảng 10%/năm số tiền hơn 300 triệu đồng giải ngân sau 1.6 giống kiểu đánh úp. Chúng tôi ngỡ rằng được vay ổn định lãi suất 5%/năm trong suốt 15 năm nên mới cố gắng vay để mua nhà. Đột nhiên thay đổi như vậy, chúng tôi sao xoay xở”, chị Ngân mếu máo.

Nên giải ngân hết hợp đồng vay

Cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể

Nếu bây giờ ngừng giải ngân hoặc không cho hưởng lãi suất 5%/năm như thời kỳ trước sẽ buộc người dân phải trả lãi suất cao, vượt quá khả năng chi trả. Tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước cần sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể, tránh làm khó người nghèo mua nhà, đi ngược chủ trương chung.

Ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản VN
 

Theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, đến nay hầu như không một người nào vay tiền trong gói 30.000 tỉ đồng được hưởng trọn lãi suất ưu đãi 5%/năm, mà chỉ được hưởng khoảng 40 - 60% trên tổng số tiền vay. Bình quân một người vay khoảng 700 triệu đồng, nếu hưởng lãi suất 5%/năm trong suốt 15 năm thì tiền gốc và lãi chỉ khoảng 7,4 triệu đồng/tháng. Nếu số tiền còn lại (khoảng 50% nguồn vốn vay) giải ngân sau ngày 1.6 phải chịu lãi suất thương mại bình quân khoảng 11 - 12%/năm thì cả gốc và lãi có thể phải trả lên đến gần 10 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền phát sinh rất lớn trong bối cảnh các chi phí khác cũng ngày càng tăng vọt. “Đa số người dân vay tiền trong gói này là dân nghèo. Do đó việc tăng lãi suất sẽ là gánh nặng đối với người dân. Không những vậy, điều này còn tác động tiêu cực đến suy nghĩ, tâm tư của người dân, bởi vì họ có cảm giác như bị lừa. Điều này mới nguy hiểm và gây bất an, mất lòng tin cho người dân”, ông Quang phân tích.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN, cho rằng nếu thả nổi lãi suất theo diện vay thương mại thì còn gì là hỗ trợ người nghèo mua nhà. Điều này đi ngược với chính sách, mục tiêu của gói 30.000 tỉ đồng. Rất có thể, do NH Nhà nước thiếu sót, chưa chú ý xây dựng hướng dẫn để các NH thực hiện theo. “Tôi cho rằng, kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỉ đồng để người dân được hưởng lãi suất ưu đãi 5%/năm. Nếu áp theo lãi suất thương mại thì xin kéo dài thời hạn giải ngân gói 30.000 tỉ đồng làm gì”, ông Hùng nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Chính phủ đưa ra gói 30.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi 5%/năm để hỗ trợ người dân nghèo mua nhà, ổn định cuộc sống. Đến nay, khi gia hạn giải ngân đến cuối 2016 thì cũng cần tiếp tục ưu đãi lãi suất 5%/năm cho khoản giải ngân sau 1.6 cho những hợp đồng đã ký, như vậy mới thực sự đảm bảo mức hỗ trợ cho người dân, thật sự công bằng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, thực tế hiện có nhiều dự án có thời hạn giao nhà sau ngày 31.12.2016, nếu không được giải ngân thì người vay sẽ rơi vào tình thế rất khó khăn vì khó tìm được nguồn vốn vay thay thế. Còn nếu tiếp tục cho giải ngân nhưng chịu lãi suất thương mại thì người nghèo đào đâu ra tiền mà đóng. Nghị quyết 02.2013 của Chính phủ cũng đã dự liệu dành từ 20.000 - 40.000 tỉ đồng để thực hiện gói tín dụng ưu đãi này. Trên thực tế, NH Nhà nước cho biết đến ngày 10.5.2016, các NH thương mại đã ký hợp đồng cam kết cho vay là 34.826 tỉ đồng. Như vậy, mức vốn cam kết hiện vẫn còn nằm trong giới hạn nêu trên nên vẫn còn dư địa để hỗ trợ lãi suất.


DiaOcOnline.vn - Theo Thanh niên